Đây là một trong những nội dung do quận Thủ Đức và huyện Bình Chánh phản ánh trong buổi làm việc với đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM về tình hình xử lý vi phạm hành chính trong 6 năm qua. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc áp dụng Luật Xử lý vi phạm hành chính không đạt hiệu quả như mong đợi.
Điểm A Khoản 1 Điều 174 Bộ Luật Hình sự quy định, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản nếu còn vi phạm thì bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, Khoản 4 Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính lại quy định, nếu phạm tội lần 2 trong vòng 6 tháng trở lại nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Sự thiếu thống nhất trong quy định giữa hai luật đã khiến cơ quan chức năng bối rối, không biết nên áp dụng theo quy định nào.
Không chỉ thiếu thống nhất, nhiều quy định không cụ thể về cách thực hiện, thời gian thực hiện dẫn đến không thể xử lý. Ví dụ về việc giám định các chứng cứ phạm tội, do không có quy định về thời gian, nhiều giám định cho kết quả chậm trễ, dẫn đến việc người tạm giam đã được thả từ lâu, không thể thực hiện việc xử phạt. Bên cạnh đó, nhiều mức phạt còn cao hơn giá trị tang vật, dẫn đến tình trạng "bỏ của chạy lấy người".
Chính quyền của quận Thủ Đức và huyện Bình Chánh thừa nhận, tình hình vi phạm trật tự xây dựng tại địa phương đang diễn biến khá phức tạp. Ngoài tác động đô thị hóa, quy hoạch dành cho huyện Bình Chánh đã lâu, không còn phù hợp với sự phát triển hiện tại. Với quận Thủ Đức, việc thực hiện cưỡng chế trong thực tế không thể tiến hành dễ dàng khi đương sự thực hiện việc khiếu nại quyết định xử phạt này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!