Chưa đầy 3 năm chị Tuyến đã hai lần phải dời nhà. Mới nhất là chưa tới 1 năm, nhưng sóng biển đã khoét hàm ếch vào đến gần giữa nhà. Nền bị sụt lún, sạt lở, tường bị xé nứt toác. Lần dọn nhà thứ 3 chắc không còn xa.
Chị Tuyến cho hay: "Sóng bây giờ nó quá trời nhiều. Nó sụp banh chành không còn cái gì hết trơn luôn rồi. Mình ngủ ban đêm bây giờ không ngủ được luôn. Gần như thức sáng đêm luôn đó. Tất cả lòng vòng ở đây luôn chớ không riêng mình tôi."
Cách nay hơn 2 năm nhà chị Thi nằm trong đê quốc phòng. Nhưng nay bị cô lập giữa bốn bề là nước. Tính mạng 4 thành viên trong gia đình đành phó mặc cho may rủi theo từng con sóng lớn.
Người lớn thì cố bám trụ. Nhưng trẻ con thì luôn trong tình trạng sẵn sàng di tản. Cả giấc ngủ cũng không tròn.
Thời điểm này, 70km đê biển tại Kiên Giang có thể bị vỡ đê bất cứ lúc nào. Nguy cấp nhất là 30km tại hai huyện An Minh và An Biên. Có những nơi sóng cắt đứt từng đoạn đê từ 100 – 200m, đẩy hàng chục hộ dân dần ra biển. 100 hộ dân cần di dời khẩn cấp. 500 hộ khác cần bố trí nơi ở mới.
Không có vốn đầu tư kè kiên cố, địa phương đã nỗ lực xây những kè tạm. Mặc dù tạm nhưng nó cũng có vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, những giải pháp như vậy cũng không thể chống chọi những con sóng lớn.
Theo một cán bộ xã Vân Khánh, một kè tạm bằng cây dừa với chiều dài khoảng 40m cũng đã có vốn đầu tư lên đến 300 triệu đồng. Mỗi năm tại vùng ven biển Kiên Giang phải thi công rất nhiều kè tạm như thế, tiêu tốn hàng tỷ đồng. Thế nhưng nó cũng chỉ chịu được vài tháng thì bị sóng đánh sập. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, địa phương cũng muốn xây kè kiên cố bảo vệ đê biển đảm bảo cuộc sống và sinh kế cho người dân. Tuy nhiên, địa phương đang rất khó khăn về nguồn vốn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!