Chuyến tàu cá vừa cập bến sau gần nửa tháng khai thác trên biển. Cùng với hơn 4 tấn cá đánh bắt được là hơn 2 tấn đá xay đi kèm để ướp cá. Hình thức bảo quản hải sản khai thác bằng ướp đá xay đã được ngư dân thực hiện trong hơn 50 năm qua. Cùng với công suất tàu ngày càng lớn, hành trình chuyến biển càng dài, những bất cập của việc bảo quản thủy sản bằng đá xay cũng lộ rõ. Nhất là khi đội tàu khai thác hiện chủ yếu là tàu vỏ gỗ. Chính điều này khiến chất lượng hải sản khi vào bờ không đạt. Giá cá, do đó, cũng không cao.
Vấn đề đầu tư hệ thống bảo quản lạnh đạt chuẩn đối với tàu khai thác xa bờ đã được đặt ra từ lâu nhưng cho đến nay, vẫn chưa có nhiều thay đổi, dù là với những tàu đóng mới. So sánh của ngư dân, chi phí cho 1.000 cây đá trong mỗi chuyến biển khoảng 20 triệu đồng, rẻ hơn nhiều lần chi phí chạy dầu cho máy lạnh, lại không tốn đầu tư ban đầu mua dàn lạnh.
Để chất lượng hải sản được giữ nguyên khi đến tay người tiêu dùng thì việc thực hiện chuỗi cung ứng lạnh phải đảm bảo từ khâu khai thác, vận chuyển, chế biến và bán lẻ. Nếu ngay từ khâu khai thác, việc bảo quản lạnh không đúng quy chuẩn thì sẽ không thể phát huy hiệu quả đầu tư ở những giai đoạn sau của chuỗi cung ứng lạnh.
Hiện nay, khi mà lượng hải sản khai thác phục vụ chế biến và xuất khẩu ngày càng tăng, các doanh nghiệp và đơn vị bán lẻ đã đầu tư hệ thống cung ứng lạnh đảm bảo sự liên tục từ chế biến cho đến quầy bán lẻ… Do đó, vấn đề hoàn thiện chuỗi cung ứng lạnh, nâng cao chất lượng thủy sản càng đặt ra bức thiết hơn.
Đối với ngư dân chưa có khả năng đóng tàu lớn và đầu tư dàn làm lạnh sâu, có thể lựa chọn tàu composite. Mục tiêu Bộ NN&PTNT đề ra đến năm 2020 là giảm tổn thất sau thu hoạch trong khai thác hải sản xuống 10%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!