Núi Cấm hay còn gọi Thiên Cấm Sơn, thuộc dãy Thất Sơn chạy dọc theo sườn phía Tây của tỉnh An Giang. Một nơi cứ tưởng chỉ có cây rừng, nắng gió, thế nhưng hơn chục năm qua, người dân nơi đây đã biết cách trồng tre Mạnh Tông lấy măng như một loài cây thoát nghèo. Đây là lý do vì sao người dân địa phương vẫn hay gọi các vườn tre là "kho gạo trên núi".
Trong 4 ấp trên Núi Cấm gồm: Vồ Thiên Tuế, Vồ Bồ Hong, Vồ Đầu, Vồ Chư Thần, thì đã có trên 50% hộ nông dân có cuộc sống ổn định nhờ măng tre. Hộ trồng ít nhất cũng vài ba chục gốc, nhiều thì vài hec-ta. Mùa mưa – từ tháng 6 đến tháng 9 là mùa măng rộ.
Các sơn dân nơi đây cho biết, tre Mạnh Tông là loại tre to, mọc khỏe rất dễ trồng. Bà con thường tận dụng đất rừng, nơi có các dòng suối chảy qua hoặc dọc theo các sườn đồi thoai thoải vì loài cây này rất hợp với phong thổ của núi rừng, lại có khả năng chịu hạn tốt. Mỗi bụi tre trên 5 năm tuổi bình quân cho từ 50 - 80 kg măng/năm. Khi tre phát triển mạnh thêm vài năm sau có thể cho năng suất từ 80 đến 120 tấn/ha.
Măng dùng được nấu món canh măng hầm thịt gà ta thì dù nồi cơm có nấu khá nhiều cũng được vét không còn một hột. Nồi canh măng muốn ngon phải hầm nhiều giờ với lửa riu riu để cho thịt gà và măng "rục" mà không "rã". Nước từ trong măng và thịt gà ứa ra ngọt lịm đến mê người. Húp một chén canh măng nóng giữa mùa mưa nơi vùng Bảy Núi sẽ là một trải nghiệm ẩm thực không thể nào quên./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!