Lựa chọn sách giáo khoa công khai, minh bạch

Đức Hạnh (VTV9)Cập nhật 13:43 ngày 28/06/2020

VTV.vn - TP.HCM vừa công bố kết quả chọn sách giáo khoa mới, với 80% các trường trên địa bàn lựa chọn bộ sách Chân trời sáng tạo. Bộ sách này có gì đặc biệt?

Theo nhiều giáo viên, bộ sách này có kênh hình, kênh chữ rất đẹp. Cách thiết kế từng trang sách bắt mắt, phù hợp với tâm lí lứa tuổi của học sinh tiểu học. Đây cũng là bộ sách đầu tiên và duy nhất có sự tham gia của các tác giả miền Nam. Vì thế sách khắc phục được khuyết điểm của bộ sách giáo khoa hiện hành là có quá nhiều phương ngữ miền Bắc.

Một yếu tố khác làm nên ưu điểm của bộ sách là có sự tham gia viết sách của các giáo viên tiểu học đang trực tiếp đứng lớp, vì thế tính thực tế của bộ sách khá tốt. Thay vì áp đặt kiến thức ngay từ đầu, bộ sách xây dựng kiến thức theo từng nhóm chuyên đề, từ dễ đến khó, tạo điều kiện cho giáo viên dạy học theo hướng cá thể hóa.

Ngoài TP.HCM, bộ sách Chân trời sáng tạo cũng được 11 địa phương khác lựa chọn với tỉ lệ rất cao, như: Bến Tre tỉ lệ 90%, Bà Rịa - Vũng Tàu 100% chọn đầu sách Tiếng Việt, Đạo đức, Mỹ thuật của bộ Chân trời sáng tạo...

Cuối năm ngoái, bộ sách Chân trời sáng tạo từng vướng phải lùm xùm liên quan đến việc chi trả thù lao của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho lãnh đạo Sở GD-ĐT TP. Thời điểm xảy ra là trước khi thực hiện việc chọn sách giáo khoa. Vì thế, rất nhiều người lo ngại về tính khách quan trong công tác lựa chọn sách giáo khoa mới lần này, ngay khi TP.HCM công bố kết quả lựa chọn.

Dù là địa phương có đội ngũ trực tiếp tham gia viết sách, thế nhưng kết quả lựa chọn sách giáo khoa tại TP.HCM lại thấp hơn so với các địa phương khác. Thậm chí trong cùng 1 bộ, tỉ lệ lựa chọn giữa các môn cũng có sự chênh lệch. Chỉ 60% các trường tại TP.HCM chọn sách tiếng Anh của bộ Chân trời sáng tạo. Số còn lại chọn sách của bộ Cánh diều. Chính sự đa dạng này phần nào thể hiện tính khách quan trong kết quả lựa chọn sách giáo khoa mới tại TP.HCM.

Chân trời sáng tạo không phải là bộ sách duy nhất do Sở GD-ĐT TP.HCM biên soạn. Thế nhưng, dù tham gia công tác biên soạn, Sở GD-ĐT TP.HCM vẫn không bắt buộc các trường sử dụng, mà tùy vào điều kiện từng trường. Vì thế đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định không có chỉ đạo ngầm trong việc chọn sách giáo khoa mới tại địa phương này.

Việc sách giáo khoa nào được lựa chọn giờ đây đã không còn quá quan trọng khi sách giáo khoa không còn là pháp lệnh nữa. Thậm chí giáo viên có thể không cần dùng đến sách giáo khoa, miễn sao nắm vững khung chương trình. Bởi đích đến của chủ trương 1 chương trình nhiều sách giáo khoa là khuyến khích giáo viên sáng tạo trong phương pháp giảng dạy.

Để đảm bảo không có tiêu cực, sai phạm trong quá trình chọn sách, Bộ GD-ĐT cũng cho biết: sẽ chỉ đạo rà soát, kiểm tra việc chọn sách giáo khoa tại một số địa phương có kết quả chọn sách khác với mặt bằng chung. Và hiện chưa có địa phương nào phải hủy kết quả chọn sách giáo khoa do làm sai quy định.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.