Làng nghề khăn rằn Nam Bộ
Nằm giữa cù lao sông Tiền, làng nghề dệt khăn choàng xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp hình thành từ những năm đầu thế kỷ XX hiện vẫn còn hơn 55 hộ theo nghề dệt khăn. Từ 120 khung dệt, mỗi ngày làng nghề sản xuất ra hơn 4.000 chiếc khăn choàng và 1.800 mét vải với nhiều kích thước, chủng loại, màu sắc khác nhau. Mỗi hộ gia đình trong làng chỉ có thể thực hiện một khâu như: đảo chỉ, nấu, nhuộm màu, hồ chỉ, phơi khô, quay chỉ, móc cửi, dệt... Riêng công đoạn móc cửi là quan trọng nhất, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao và chính xác.
Làng nghề dệt choàng Long Khánh A đã thực sự tạo đột phá khi tung ra thị trường một loạt sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Việc địa phương công nhận đây là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh như tiếp thêm cơ hội để chiếc khăn rằn trở thành sản phẩm du lịch riêng có trong hành trình lưu giữ nghề xưa. Dù sáng tạo để làm ưu thế cạnh tranh, nhưng các sản phẩm khăn rằn mới vẫn có sự kế thừa, phát huy những giá trị của khăn rằn truyền thống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!