Kinh tế thế giới "đổ bệnh" vì dịch COVID-19

Hoàng Yến - Như Thủy (VTV9)Cập nhật 21:33 ngày 13/03/2020

VTV.vn - Nền kinh tế toàn cầu, từ ngành dịch vụ cho đến sản xuất, từ doanh nghiệp nhỏ đến tập đoàn lớn, tất cả đang phải chịu tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) lo ngại, dịch COVID-19 có thể khiến nền kinh tế toàn cầu trong năm 2020 tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 2009.

Trong những ngày gần đây, tại thành phố Vũ Hán với 11 triệu dân, bầu không khí tĩnh lặng bao phủ. Vũ Hán không chỉ là cơ sở sản xuất của Trung Quốc mà còn là mắt xích quan trọng trong dây chuyền cung ứng. Không khó để người ta hình dung được thiệt hại đối với kinh tế lớn thứ 2 thế giới khi Vũ Hán bị phong tỏa. Ở những thành phố lớn khác như: Bắc Kinh, Thượng Hải, hình ảnh dễ bắt gặp là các trung tâm mua sắm, nhà hàng vắng vẻ. "Cỗ máy" tiêu thụ của quốc gia đông dân nhất thế giới dường như bị "đóng băng".

Kinh tế Trung Quốc lao đao vì dịch bệnh, kéo theo một chuỗi tác động dây chuyền với kinh tế thế giới. Sự gián đoạn về nguồn cung khiến cho những tập đoàn lớn như: Apple, Huyndai,Tesla phải giảm nhịp độ sản xuất. Còn với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguy cơ phá sản là rất lớn. Một cuộc khảo sát được thực hiện ở Trung Quốc cho thấy, một nửa số doanh nghiệp nhỏ trên toàn Trung Quốc sẽ hết tiền để hoạt động trong vòng 3 tháng tới.

Nạn nhân tiếp theo là ngành hàng không. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) ước tính, nhu cầu đi lại bằng máy bay giảm lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ. Dự báo, các hãng hàng không có thể bị thua lỗ từ 60 - hơn 100 tỷ USD tùy thuộc vào mức độ lây lan của dịch COVID-19.

Ngành du lịch cũng chịu ảnh hưởng lớn. Giới chuyên gia ước tính, ngành du lịch toàn cầu đang hứng chịu thiệt hại tồi tệ nhất, hơn cả thời điểm bị ảnh hưởng do vụ khủng bố nước Mỹ 11/9/2001. Theo đó, dựa trên lượng khách du lịch ước tính giảm từ 9 - 12%, doanh thu du lịch quốc tế dự kiến sẽ bị thiệt hại từ 30 - 50 tỷ USD do dịch bệnh COVID-19.

Các lo ngại liên quan đến dịch bệnh COVID-19 khiến thị trường chứng khoán thế giới chao đảo. Hơn 2.000 tỷ USD đã "bốc hơi" khỏi thị trường. Thị trường chứng khoán rơi vào giai đoạn tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Trong khi đó, giá dầu thế giới tiếp tục lao dốc thảm hại và COVID-19 chính là một phần lý do ngoài nguyên nhân bất đồng trong OPEC.

Hậu quả của dịch bệnh COVID-19 đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ rất lớn nhưng không thể đánh giá chính xác vào thời điểm hiện nay, đặc biệt khi xét tới "sức nặng" của nền kinh tế Trung Quốc. Trong đại dịch SARS hồi năm 2003, Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 8,5% GDP toàn cầu, nhưng tỷ lệ này hiện nay đã tăng lên gần 20%.

Nhiều nước và các tổ chức uy tín trên thế giới đang triển khai hành động để bảo vệ nền kinh tế trước các tác động xấu của dịch bệnh COVID-19. Và trước khi được chính phủ giải cứu, các doanh nghiệp đã phải tìm cách tự cứu lấy mình.


Chính phủ các nước 'cắt thuốc chữa bệnh' do COVID-19 cho nền kinh tế Chính phủ các nước "cắt thuốc chữa bệnh" do COVID-19 cho nền kinh tế

VTV.vn - Từ Á sang Âu, Australia rồi Mỹ, các ngân hàng Trung ương đồng loạt vào cuộc hạ lãi suất. Dịch COVID-19 lan đến đâu, các chính phủ hành động đến đó.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.