Đã có rất nhiều tranh chấp không hồi kết đã xảy ra giữa mối quan hệ 4 bên từ chủ đầu tư, ban quản trị, cư dân và nhà nước. Nhẹ thì phản ứng trên các group cộng đồng, nặng hơn sẽ là tố cáo ra cơ quan chức năng. Đa phần tranh chấp thường rơi vào khi chủ đầu tư cố tình không chịu bàn giao phí bảo trì, hoặc chỉ bàn giao một phần, hay là sử dụng quỹ này không minh bạch từ ban quản trị.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, hiện trên địa bàn TP.HCM đang có khoảng hơn 900 chung cư xây dựng sau Luật Nhà ở 2005 nhưng chỉ có khoảng 194 chung cư đã và đang bàn giao kinh phí bảo trì. Sở Xây dựng cũng đã thống kê một loạt chung cư đang chây ì bàn giao khoản phí này. Dù đã có nhiều quyết định xử phạt, thanh kiểm tra nhưng vẫn không thể xử lý dứt điểm. Có thể điểm mặt một số chung cư tại TP.HCM đang có tình trạng nhập nhằng thâm niên về quỹ bảo trì như Cao ốc Scres, quận 3, TP.HCM, không những chủ đầu tư chỉ mới bàn giao được 50% kinh phí dù đã giao nhà gần 13 năm, chưa kể ban quản trị kế nhiệm mới nhất đang gặp phải nhiều phản ứng của cư dân vì thiếu minh bạch khi sử dụng quỹ bảo trì. Hay chung cư Khang Gia Tân Hương, hơn 5 năm qua chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao kinh phí bảo trì, hoặc chung cư Trương Đình Hội, giữa chủ đầu tư và ban quản trị không thống nhất được số tiền kinh phí bảo trì và đã bị xử phạt vì chậm trả... Nhiều chủ đầu tư như: Chung cư New Town, New Sài Gòn, Hưng Ngân, Hoàng Anh River View, Trung Đông Plaza, Phú Hoàng Anh, Full House... đã bị xử phạt hành chính.
Có thể thấy hàng loạt chung cư đã bị điểm mặt, chỉ tên nhưng câu chuyện dừng lại chỉ ở những quyết định xử phạt hành chính. Và nếu chủ đầu tư cố tình chây ì thì cơ quan chức năng cũng khó có thể xử lý. Cũng vì thế, câu chuyện tranh chấp cứ thế diễn ra trong suốt thời gian dài. Nguyên nhân được cho xuất phát từ những chủ đầu tư yếu kém, cố tình không bàn giao phí bảo trì để sử dụng riêng hoặc một phần do ban quản trị chung cư không mạnh mẽ để cùng ngồi lại xử lý.
Để giải quyết các mâu thuẫn này, Sở Xây dựng TP.HCM đã kiến nghị bỏ cơ chế giao chủ đầu tư thu kinh phí bảo trì 2%, mà việc thu sẽ do ban quản trị thu trong quá trình quản lý và sử dụng theo tỷ lệ phần trăm do hội nghị nhà chung cư quyết định. Dù chỉ mới là kiến nghị nhưng thông tin này đang được cư dân rất quan tâm. Trong đó nhiều người đã đề xuất bỏ khoản thu này. Có thể thấy, số tiền 2% trên giá trị căn nhà được bỏ ra từ túi của cư dân quả không phải là ít. Khi mà phí bảo trì còn thiếu tính minh bạch, quy định xử phạt còn không triệt để thì mong mỏi bỏ quy định chủ đầu tư thu phí bảo trì 2% là chính đáng.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, với kiến nghị này sẽ giải quyết được 2 vấn đề, thứ nhất giảm bớt gánh nặng chi phí cho người dân lúc nhận bàn giao nhà, và thứ hai là chủ đầu tư hoặc ban quản trị cũng không thể chiếm dụng vì số tiền này sẽ thu từ từ. Khi thu như vậy, sẽ có sự kiểm soát chặt hơn và phát huy được vai trò tập trung quản lý của ban quản trị.
Còn theo các luật sư, việc thu hàng tháng, thu theo thực tế hiện trạng của chung cư như vậy sẽ đảm bảo quyền lợi cho người dân hơn. Vì khi thu theo cách thu này thì những chủ đầu tư sẽ không có cơ hội chiếm dụng vốn của cư dân, về phía ban quản trị cũng ko thể cố tình lạm quyền để một người làm chủ tài khoản.
Cũng theo các chuyên gia, để quản lý nguồn quỹ này và để việc thu chi sửa chữa đúng và trúng, thì chung cư cũng cần xây dựng bộ tiêu chí rõ ràng để cử người vào ban quản trị một cách minh bạch và đủ năng lực trong việc thu chi tài chính.
Tất cả đã cho thấy một bức tranh mới mà phần nào sẽ giải quyết được tranh chấp nếu kiến nghị mới được thông qua. Tuy nhiên, câu chuyện ở đây điều kiện được thông qua là phải sửa luật thì lại là câu chuyện lâu dài. Vì thế, trước mắt, Sở Xây dựng đã có thêm kiến nghị điều chỉnh quy định về cưỡng chế chủ đầu tư theo hướng khởi kiện tại tòa án dân sự. Còn theo các chuyên gia bất động sản, trong ngắn hạn nên ban hành các văn bản dưới luật để kịp thời hoá giải tận gốc tranh chấp. Mà ở đó sẽ tập trung minh bạch từ phía ngân hàng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!