Đoạn đường Nguyễn Hoàng, quận 2, TP.HCM chỉ mới cách đây 2 tuần còn là khu chợ hoa của người dân khu vực này, thế nhưng bây giờ đã trở thành một bãi rác thải với những chiếc khẩu trang y tế đã qua sử dụng bị vứt bừa bãi.
Không chỉ riêng tại quận 2, nhiều tuyến đường lớn như Phạm Văn Đồng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Đinh Bộ Lĩnh, Võ Văn Kiệt... rải rác từ quận 1, quận Bình Thạnh, quận Thủ Đức... đâu đâu cũng có thể bắt gặp những chiếc khẩu trang y tế đã qua sử dụng bị vứt bừa bãi. Cứ vài mét là có một khẩu trang y tế đã qua sử dụng nằm rải rác có nguy cơ phát tán dịch bệnh. Chiếc khẩu trang nhỏ, gọn, nhẹ nên dễ dàng bị "cuốn theo chiều gió", dạt vào lòng đường, miệng cống, trên các bãi cỏ xanh rờn bỗng xuất hiện vài chiếc. Bên cạnh đó, rất nhiều khẩu trang y tế đã sử dụng vứt bừa bãi tại nhiều điểm thu gom rác và các bãi rác tự phát, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.
Theo bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất, khoảng thời gian những virus gây bệnh có thể tồn tại trong môi trường bên ngoài từ 30-60 phút, vì vậy việc vứt khẩu trang y tế đã sử dụng bừa bãi là hành vi không nên. Cũng theo các y bác sĩ, nên đeo khẩu trang đúng với khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế. Theo đó, không nên sử dụng lại khẩu trang, không được dùng tay tiếp xúc trực tiếp với bề mặt khẩu trang, sau khi sử dụng xong nên bỏ đúng nơi quy định có thùng rác đậy nắp.
Đối với công nhân vệ sinh thường xuyên tiếp xúc rác thải đường phố, trong đó có khẩu trang y tế đã qua sử dụng, công nhân cần trang bị đồ bảo hộ khi làm việc, đặc biệt là khẩu trang và găng tay.
Dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn và chưa xác định thời điểm dứt hoàn toàn, chính vì thế ý thức của mỗi cá nhân sẽ góp phần ngăn chặn khả năng lây nhiễm qua những chiếc khẩu trang đã sử dụng bị vứt bừa bãi, cũng như nâng cao vệ sinh và mỹ quan đường phố.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!