Sống ở biển (Thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa), nhưng lúc này, nhiều người lại ngại ngần đi biển. Có khai thác được nhiều cá thì cũng không bán được. Dịch bệnh phức tạp, phải giãn cách xã hội để phòng dịch, chợ cá không còn họp như mọi khi.
Hai vợ chồng chị Bảy sống nương theo chợ cá. Ai thuê gì thì làm nấy, trước đây, mỗi ngày ít cũng kiếm được 100 ngàn đồng, đắp đổi qua ngày cho gia đình có 4 miệng ăn. Nhưng, giờ, việc làm thuê không còn.
Những người lao động tự do như vợ chồng chị Bảy chiếm số đông trong những người lao động bị tạm dừng hoạt động hoặc mất việc do dịch Covid-19.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68 vào đầu tháng 7 về chính sách hỗ trợ hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19, các địa phương đã khẩn trương rà soát các nhóm đối tượng trong diện được hỗ trợ, trong đó có lao động tự do.
Tại tỉnh Khánh Hòa, đến lúc này, các ngành, các địa phương đã tiếp nhận hơn 2 ngàn hồ sơ đối tượng lao động tự do cần được hỗ trợ. Yêu cầu đặt ra khi triển khai chính sách hỗ trợ lao động tự do bị mất việc do Covid-19 là phải kịp thời nhưng cũng phải đúng đối tượng, công khai và minh bạch. Công việc này không thể nhanh như mong đợi. Vì vậy, trước mắt, từ nhiều nguồn huy động, tỉnh Khánh Hòa đã kịp thời tổ chức cứu trợ các gia đình gặp khó khăn.
Số gạo này nằm trong chương trình Hạt gạo nhân ái. Trong vòng 1 tuần qua, hơn 40 tấn gạo đã kịp chuyển đến các gia đình vùng dịch.
Khó ai có thể đoán trước, tình trạng mất việc sẽ còn kéo dài bao lâu đối với những người lao động tự do. Vì vậy, các biện pháp hỗ trợ người mất việc tiếp tục được đẩy nhanh ở các vùng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ước tính, cả nước có không dưới 1 triệu người lao động tự do bị mất việc./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!