Hiệu quả chống hạn mặn từ đệm sinh thái rừng ngập mặn

Ái Linh - Phạm Việt (VTV9)Cập nhật 07:06 ngày 27/02/2020

VTV.vn - Nhiều giải pháp phục hồi, quản lý hệ sinh thái, trồng mới rừng ngập mặn được triển khai nhằm bảo vệ môi trường, chống hạn mặn và tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Nhiều năm về trước, rừng ngập mặn tỉnh Ninh Thuận có diện tích lên đến hàng trăm ha, riêng Đầm Nại có khoảng 300ha. Tuy nhiên, diện tích rừng ngập mặn giảm nhanh sau đó khi số lượng người dân phá rừng khai thác mặt nước làm đìa tôm ngày càng tăng. Môi trường nước bị ô nhiễm, nhiều vùng đất ven biển bị nhiễm mặn, gây nên hiện tượng sa mạc hóa.

Đến năm 2015, từ nguồn vốn Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng của Trung ương và nguồn vốn ODA, tỉnh Ninh Thuận đã thành công trong việc khôi phục hệ sinh thái rừng ngập mặn với 2 loại cây đặc trưng là cây đước và cây mắm trắng. Đến thời điểm hiện tại, đã có gần 50ha rừng ngập mặn được phục hồi, đem lại nhiều lợi ích cho người dân địa phương.

Thực tế trong quá trình khôi phục rừng ngập mặn, nhiều khó khăn đã phát sinh, đó là gió biển và độ mặn tại các vùng ven biển tỉnh Ninh Thuận quá cao, khiến cây không lớn được. Ở nhiều vùng biển, nền đất cát nhiều, chất dinh dưỡng ít nên cây khó phát triển, hoặc ở bên dưới vùng biển gần bờ còn tồn lớp san hô chết, rễ khó bám được sâu. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao, vùng đệm sinh thái - rừng ngập mặn - đã hình thành trong sự vui mừng của người dân địa phương.

Trong nhiều năm qua, các cấp, ngành chức năng đã quyết tâm hồi sinh rừng ngập mặn. Công việc trồng mới và bảo vệ những mảng rừng còn sót lại chẳng khác gì một cuộc chiến gian nan. Những cây đước, cây đần hay cây mắm trắng được hồi sinh không chỉ làm nơi trú ngụ lý tưởng cho các loài vật nuôi thủy sản mà còn bảo vệ được vùng sản xuất bên trong. Màu xanh của nhiều loại cây trồng đã dần thay thế màu đen nâu của cát, góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại địa phương.

Theo các nhà khoa học, rừng ngập mặn có giá trị to lớn về nhiều mặt trước sự đe dọa của biến đổi khí hậu, giúp giảm thiểu tới 50% năng lượng tác động của sóng biển, ngăn ngừa nước biển dâng cao, góp phần quan trọng bảo vệ dân cư cũng như hạ tầng cơ sở ven biển. Tuy nhiên, tác dụng của rừng ngập mặn không chỉ dừng lại ở đó. Thực tế cho thấy, rừng ngập mặn đã bảo vệ các khu vực ven biển vững chắc hơn bất cứ công trình bê tông nào trước sức tàn phá của nước mặn và sóng biển. Và việc bảo vệ và duy trì diện tích rừng ngập mặn phụ thuộc rất lớn vào ý thức của cộng đồng dân cư bên cạnh sự quản lý của chính quyền địa phương.

Rừng ngập mặn ven biển ứng phó với thiên tai Rừng ngập mặn ven biển ứng phó với thiên tai

VTV.vn - Người dân Thừa Thiên - Huế có nhiều mô hình hay, hiệu quả trong việc bảo vệ rừng ven biển trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.