Đại dịch COVID-19 đã vào giai đoạn phức tạp, lây lan rộng đến hơn 190 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ở nước ta, tình hình dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát tốt, những vẫn còn nhiều thách thức đặt ra, trong đó có sự kỳ thị. Sự kỳ thị ấy đã khiến nhiều người không dám đối diện, thậm chí giấu bệnh, không khai báo.
Một bức ảnh về nhóm học sinh trường Waregem ở Bỉ cầm tấm bảng "Corona Time", đội nón lá với hàm ý chế giễu bệnh dịch COVID-19 đang bùng phát ở châu Á. Và đến khi một số nước ở châu Âu và Bắc Mỹ bị bùng phát dịch, sự kỳ thị này càng trở nên khó kiểm soát hơn.
Ngày 26/1/2020, Le Courier Picard, một tờ báo của Pháp, đã gây sốc khi đăng bức ảnh một người phụ nữ gốc Á đeo khẩu trang kèm theo dòng chữ "dịch bệnh da vàng" và "cảnh báo da vàng". Chủ bút sau đó đã phải lên tiếng xin lỗi. Ngày 3/3, một du học sinh người Singapore ở Anh đã bị hành hung bởi một nhóm thanh niên do không muốn "virus Corona của anh vào nước của họ".
Người châu Á trở thành mục tiêu của một số nhóm quá khích ở Mỹ. Ngoài việc bị xa lánh trong sinh hoạt, họ còn bị tấn công và chửi bới bằng những lời lẽ thô tục. Thậm chí, nhiều người Việt sống tại Anh cho biết, dù số ca nhiễm từ dịch COVID-19 của Anh đang tăng nhưng họ vẫn không dám đeo khẩu trang khi ra đường vị sợ kỳ thị. Sự kỳ thị này đã gây tâm lý lo ngại, sợ hãi của những người châu Á ở nước ngoài. Vì không dám đeo khẩu trang, rất nhiều người trong số họ có thể bị lây bệnh và tiếp tục truyền bệnh cho người khác.
Còn tại Việt Nam, khi những ca nhiễm đầu tiên được phát hiện cho đến khi ghi nhận hơn 100 trường hợp nhiễm virus COVID-19 từ nước ngoài trở về, đây là lúc sự kỳ thị dành cho người nước ngoài hoặc người Việt từ nước ngoài trở về xuất hiện. Thậm chí, sự kỳ thị này còn lây lan sang cả đội ngũ y, bác sỹ. Sự kỳ thị, ngại ngùng của những người xung quanh khiến các nhân viên y tế cảm thấy áp lực hơn, nhất là với những người thực hiện việc chọn lựa đội ngũ bác sỹ cho công tác phòng chống dịch. Đôi khi, sự kỳ thị đã khiến các y, bác sỹ, những người trực tiếp trong tâm dịch, cảm thấy không tự tin về chính mình.
Điều may mắn là đến thời điểm này, Việt Nam vẫn đang kiểm soát được bệnh dịch. Tuy nhiên, lúc này vẫn chưa phải là thời điểm "dầu sôi lửa bỏng" nhất. Khi bước vào giai đoạn đó, sự kỳ thị này nếu vẫn còn duy trì sẽ gây ra những tác hại không nhỏ. Dịch bệnh khiến cộng đồng lo lắng, hoang mang, đây là điều không khó hiểu. Trên thực tế, việc vì lo sợ bệnh tật đến mức kỳ thị đã đẩy thực trạng này lên một mức mới, đó là khủng hoảng niềm tin. Khi ấy, sự kỳ thị có thể đi đôi với những hành động không thể kiểm soát được.
Theo đánh giá, sự kỳ thị sẽ còn tăng khi ngày càng nhiều người Việt từ nước ngoài trở về. Chúng ta có thể nhìn thấy sự kỳ thị ấy trên mạng xã hội khi rất nhiều điều kết tội họ chính là nguồn lây nhiễm. Một phần của sự kỳ thị này đến từ sự sợ hãi, thiếu kiến thức về căn bệnh này. Điều này gây khó khăn nhiều hơn cho cuộc chiến chống dịch.
Tính đến thời điểm này, Việt Nam có hai tuần vô cùng quan trọng để chiến đấu với dịch COVID- 19. Đây sẽ là hai tuần "thử lửa" cho cả hệ thống phòng ngừa dịch COVID-19 ở nước ta. Nguyên nhân là vì lúc này, lượng người từ nước ngoài về được coi như gần hết. Những người tự giác khai báo, tự giác thực hiện việc cách ly đang làm những công việc hết sức văn minh, biết nghĩ vì cộng đồng. Thay vì bị kỳ thị, họ xứng đáng được động viên, chia sẻ. Có như vậy, chúng ta mới có thể cùng nhau vượt qua được những thời khắc khó khăn như cách mà nước ta đã vượt qua đại dịch SARS trước đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!