Thủy sản là ngành hàng lợi thế của miền Tây, nhưng cũng đòi hỏi một lượng lớn lao động, từ khâu thả nuôi, chăm sóc, thu hoạch cho đến vận chuyển, chế biến. Đó cũng là lí do mà bà con nông dân luôn tìm kiếm các loại máy móc để đưa vào sản xuất, dần thay thế sức người.
Dù là giáo viên tiểu học, nhưng nhờ có tay nghề cơ khí nên ông Đặng Văn Mãi ở xã Bình Thạnh, Huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp không gặp quá nhiều khó khăn trong việc biến ý tưởng thành máy móc phục vụ sản xuất của gia đình. Sự tiện dụng ở chỗ chiếc máy này có thể đáp ứng cho phong trào nuôi thủy sản ở địa phương như cá tra, cá lóc hay cá điêu hồng.
Tính năng vượt trội của chiếc máy cho cá ăn tự động là sử dụng nguồn năng lượng xanh, năng lượng mặt trời. Thứ hai là nó tự động điều khiển luôn, mình khỏi đến đó.
Máy được thiết kế đầy đủ gồm tấm pin năng lượng mặng trời, bộ chuyển đổi, bình tích điện, 3 van xả thức ăn, tủ điều khiển và hệ thống khí nén phun thức ăn. Với chiếc máy này, người dùng có thể thiết lập lượng thức ăn cũng như thời gian phun cho phù hợp với đàn cá dưới ao, vừa tiết kiệm giá thức ăn, vừa rút ngắn thời gian nuôi.
Trung bình 1 hecta mặt nước nuôi thủy sản, chủ ao phải thuê từ 4 – 5 công nhân đảm trách việc cho cá ăn. Chỉ riêng diện tích cá tra ở ĐBSCL là hơn 5.000 hecta. Như vậy phần chi phí đầu vào là số tiền hề nhỏ.
Hiện giá thành đầu tư cho một chiếc máy cho cá ăn tự động bản đầy đủ, bao gồm hệ thống kho chứa, đường ống phun thức ăn dao động ở mức 200 triệu đồng. Theo đó, chủ ao sẽ nhanh chóng lấy lại vốn đầu tư chỉ sau thời gian ngắn nhờ tiết giảm được các khoản chi phí đầu vào, nhất là nhân công./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!