Mới đây, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có đề xuất: đưa nghề giáo viên mầm non là nghề nặng nhọc và được nghỉ hưu sớm. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non là 57 với nam và 55 tuổi đối với nữ. Ngay khi đề xuất được đưa ra, 90% giáo viên tại TP.HCM đã ủng hộ.
Theo luật Lao động, phải 14 năm nữa cô Phương mới về hưu. Thế nhưng, ở tuổi 46, phần nào cô Phương cũng đã thấu hiểu những khó khăn của tuổi tác khi làm công việc chăm sóc và dạy trẻ. Ở trường mầm non 3 có đến 2 giáo viên sắp sửa về hưu. Phần lớn các hoạt động thể lực đều do giáo viên trẻ phụ trách. 2 cô giáo này chỉ đảm trách hoạt động chuyên môn và kĩ năng. Dù rất yêu nghề, nhưng để đảm bảo hiệu quả công việc với những giáo viên này là cả 1 nỗ lực. Đặc thù của giáo viên mầm non là phải hoạt động liên tục, theo sát hoạt động của từng trẻ. Vì thế đòi hỏi các giáo viên phải có thể lực và sức khỏe. Thế nhưng, với cường độ làm việc cao, liên tục trên 10 tiếng/ngày, cộng với sức ép từ sự giữ an toàn cho trẻ khiến sức khỏe của giáo viên mầm non giảm sút nhanh. Khảo sát nhanh trên 379 giáo viên mầm non tại TP.HCM cho thấy, gần 34% giáo viên bị khó thở đau tức ngực, gần 69% giáo viên bị stress nghề nghiệp và 49% giảm thị lực...Tại TP.HCM, có đến 90% giáo viên mầm non trên địa bàn đồng ý đề xuất nghỉ hưu ở tuổi 55.
Phải đến năm sau, quy định về tuổi nghỉ hưu mới có hiệu lực. Tuy nhiên, với bối cảnh hiện tại, tăng thêm tuổi lao động với giáo viên mầm non đồng nghĩa tăng thêm gánh nặng cho đội ngũ này. Hiện, đề xuất vẫn đang được lấy ý kiến. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu xếp giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, bên cạnh giảm tuổi nghỉ hưu, cũng cần xây dựng các chế độ chính sách hỗ trợ phù hợp cho đối tượng này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!