Liên tiếp bị sạt lở, hơn 70m Quốc lộ 91 đoạn thuộc xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang đã sụp xuống sông Hậu. Sạt lở ăn sâu vào bờ gần 40m, giao thông bị cắt đứt, hàng chục nhà dân cũng có nguy cơ bị sạt lở vào bất cứ lúc nào. Không chỉ ở vùng đầu nguồn, tại thành phố Cần Thơ, Quốc lộ 80 thuộc huyện Vĩnh Thạnh cũng đang bị sạt lở ở nhiều điểm.
Tỉnh Kiên Giang đã thông báo tình trạng khẩn cấp do sạt lở đê biển. Ước tính, 1/4 chiều dài với gần 80km bờ biển tại đây đang bị đe dọa, nhiều nơi sạt lở tiến sát chân đê, ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt người dân. Còn tại tỉnh Cà Mau, cả hai bờ biển Tây và biển Đông đều bị sạt lở. Bãi bồi dài từ vài trăm mét đến vài km đã bị mất. Công tác ứng phó chỉ mang tính tình thế, tạm thời.
Có thể nói, sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL ngày càng diễn biến khó lường. Trong thời gian qua, các địa phương đã phải nỗ lực ứng phó cũng như khắc phục hậu quả, nhưng do nguồn lực có hạn nên công tác ứng phó không thấm vào đâu. Để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu phức tạp, khó lường, các Bộ, ngành Trung ương có nhiều chuyến khảo sát, hỗ trợ địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Sạt lở bờ sông, bờ biển lan rộng toàn ĐBSCL trong khi đây là vùng sản xuất nông nghiệp rất dễ bị tổn thương. Do vậy, việc đầu tư kịp thời các công trình đê kè ở những nơi xung yếu đang là nhu cầu cấp bách hiện nay để giảm thiệt hại thiên tai, đồng thời giữ đất, giữ rừng, giữ ổn định cuộc sống cho người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!