Đáng phấn khởi là trong thời gian qua, các địa phương luôn quan tâm đến vấn đề này và tích cực đồng hành với ngành tôm. Nhờ vậy, nhiều dự án quan trọng đã được triển khai thuận lợi, tạo điểm nhấn lan tỏa thúc đẩy ngành hàng tỷ USD này ngày càng phát triển.
Trước nhu cầu hạ tầng phát triển ngành tôm, nhiều địa phương đã khẩn trương rà soát quy hoạch, mạnh dạn điều chỉnh, bổ sung và bàn giao quỹ đất kịp thời để doanh nghiệp đầu tư sản xuất. Điển hình là tại tỉnh Bạc Liêu, từ con số 0 ban đầu, nay tỉnh đã quy hoạch được khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển ngành tôm với diện tích hơn 400ha nhằm thu hút và tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Đối với xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, trước đây người dân chỉ biết đến là vùng cát trắng. Với quyết tâm đầu tư hạ tầng cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp, chỉ trong thời gian ngắn, tại tỉnh Bình Định lần đầu tiên khu sản xuất tôm công nghệ cao có quy mô lớn nhất khu vực miền Trung đã được hình thành.
Cùng với việc bàn giao quỹ đất sạch, có diện tích lớn, các địa phương còn tích cực hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc đầu tư, hoàn thiện hệ thống giao thông vào các khu sản xuất. Chính sự đồng hành của các địa phương đã tạo niềm tin, động lực giúp cho doanh nghiệp thủy sản mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này. Những công trình được đầu tư bài bản như vậy sẽ là đòn bẩy thúc đẩy ngành tôm nước ta phát triển hiệu quả và bền vững hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!