Liên hệ với nhiều đầu mối mà không mua được khẩu trang y tế, ông Sơn quyết định mua khẩu trang vải về bán. Nhu cầu của người dân phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 đã được giải quyết phần nào nhưng ông vẫn thắc mắc vì sao khẩu trang y tế lại khan hiếm.
Theo Cục Hải quan tỉnh An Giang, số khẩu trang mà các đơn vị bắt được đều có nguồn gốc từ các công ty ở Thành phố Hồ Chí Minh. Rất có khả năng những đậu nậu ở vùng biên giới đã liên hệ gom hàng rồi chuyển về vùng biên chờ thời cơ xuất trái phép qua biên giới.
Khi vận chuyển về đến vùng biên giới An Giang, khẩu trang y tế sẽ được các đầu nậu tập kết ở những kho hàng hoặc nhà dân sát biên giới. Chỉ cần khách hàng phía bên kia biên giới có nhu cầu, các chủ hàng phía bên này sẽ tìm cách chuyển khẩu trang y tế trái phép qua biên giới.
Vào mùa khô này thì nước sông Vĩnh Tế đã bị khô cạn. Hàng lậu gồm cả khẩu trang y tế được tập kết từ bờ sông bên này qua những chiếc ghe. Một cách vận chuyển khác là lợi dụng những chuyến xe tải chở hàng qua biên giới. Nếu lực lượng chức năng ở cửa khẩu lơ là khâu kiểm tra, khẩu trang y tế sẽ xen lẫn với hàng hoá khác sẽ xuất trót lọt qua biên giới.
Hiện dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế đang rất cao. Tuy nhiên, đã có một lượng lớn khẩu trang y tế bị xuất lậu sang biên giới. Điều này dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hoá, dẫn đến tình trạng giá cả tăng cao gây gánh nặng cho người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!