Đã 3 ngày trôi qua từ khi vụ việc tại trường Tiểu học Phan Chu Trinh, quận Tân Phú, TP.HCM được đưa lên mặt báo. Cô giáo, người đã ra tay đánh hàng loạt học sinh, đã bị đình chỉ dạy học. Tuy nhiên, với nhiều phụ huynh, họ vẫn chưa hết bàng hoàng và lo sợ. Câu hỏi được đặt ra là tại sao tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn dù kinh nghiệm rút ra không phải là ít?
Vụ việc xảy ra tại trường Tiểu học Phan Chu Trinh vừa qua là điều không ai mong muốn bởi trong giáo dục, chuyện sử dụng bạo lực là điều tối kị. Nghề giáo không chỉ là một công việc, đây còn là trách nhiệm khi cách giáo dục ảnh hưởng đến cả một thế hệ. Vì thế, việc sử dụng bạo lực để dạy dỗ dù ở mức độ nào cũng là phản sư phạm. Những dấu ấn về trường lớp trong 3 năm đầu tiên của cấp tiểu học rất quan trọng bởi đó là cơ sở để giúp trẻ xây dựng nhân cách.
Trước khi đứng trên bục giảng, bất kỳ giáo viên nào cũng đều được học về tâm lý sư phạm, cách xử lý tình huống, nhưng năm nào ngành giáo dục cũng chứng kiến các vụ việc giáo viên đánh học sinh. Thực ra giáo viên nào cũng biết hành vi sử dụng bạo lực là sai, nhưng vì sao một số giáo viên lại lựa chọn cách ứng xử khác để giải quyết vấn đề, nguyên nhân không chỉ xuất phát từ phía người cầm phấn.
Học sinh hạnh phúc chỉ khi giáo viên hạnh phúc, và giáo viên chỉ hạnh phúc nếu có điểm tựa từ phía nhà trường. Một khi mối quan hệ này bị đứt gãy, nguy cơ xuất hiện bạo lực trong ứng xử là điều tránh khỏi bởi không phải giáo viên nào cũng đủ khả năng và kinh nghiệm để xử trí tình huống.
Câu hỏi được đặt ra là có triệt tiêu được tình trạng bạo lực trên hay không? Câu trả lời là có. Cách triệt tiêu rất đơn giản, xuất phát từ chính trái tim của mỗi thầy, cô giáo và kết quả nhận được không chỉ là sự yêu thương từ phía học trò.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!