Liệt 2 chân, tổn thương cột sống, nên mỗi việc ngồi xe lăn thôi đã khó, huống chi là lao động nuôi cha mẹ già. Đó là cảnh khổ mà người thanh niên mới hơn 30 tuổi phải gánh chịu vì tai nạn lao động.
Một vụ tai nạn lao động làm chết 1 công nhân tại một doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố Sa Đéc vào tháng 7 năm ngoái, trong lúc vận hành trạm xử lý nước thải cùng đồng nghiệp, người đàn ông không may rơi xuống 1 hố chứa bùn hóa lý không có rào chắn cố định, không đảm bảo an toàn nên tử vong. Và đây là 1 trong số 17 vụ tai nạn lao động gây chết người tính từ năm ngoái đến quí 2 năm nay. Đây là một thực trạng đáng báo động về tình hình tai nạn lao động tại địa phương.
Qua phân tích, ngành chuyên môn nhận định, trong số 10 vụ tai nạn lao động chết người xảy ra tại nơi làm việc thời gian qua thì có đến 9 vụ người lao động không được người sử dụng lao động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định.
Thực tế, trong mối quan hệ lao động hay sự vận hành của nền kinh tế thì cả người lao động hay đơn vị sản xuất, kinh doanh đều hướng đến việc tạo ra của cải, xây dựng cuộc sống hạnh phúc. Cả xã hội, người lao động và nhất là người sử dụng lao động cần tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro và có giải pháp đảm bảo về an toàn, vệ sinh lao động nhằm tạo ra môi trường lao động tốt nhất, mà ở đó, người lao động và người sử dụng lao động đều được thụ hưởng./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!