Từng là con đường của dịch vụ cưới, đường 3/2 nay đã là con đường thẩm mỹ. Điều này phù hợp với xu thế toàn cầu khi mức chi cho làm đẹp và mỹ phẩm chiếm đến hơn phân nửa trong số tổng chi phí về y tế. Tuy nhiên, sự bùng phát quá nhanh tại Việt Nam dù được lường trước nhưng vẫn gây nên bất ngờ cho chính người trong cuộc.
Thay vì trước đây, người Việt Nam thường ra nước ngoài làm thẩm mỹ, thì hiện nay lại có một dòng chảy ngược lại. Thị trường thẩm mỹ tại Việt Nam trở thành "vùng trũng" vì sao?
Theo bác sĩ Trần Ngọc Phương - Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ Newface, TP.HCM: "Phẫu thuật thẩm mỹ mũi ở Việt Nam chỉ từ 3.000 - 4.000 USD trong khi ở Mỹ lên đến 12.000 USD. Thứ hai là quan điểm thẩm mỹ của người Việt Nam thì sẽ đồng quan điểm hơn so với các nước phương Tây và thứ ba là bác sĩ Việt Nam rất khéo tay".
Đáng tiếc là những lợi thế này lại nhiều khi bị nhấn chìm bởi một hệ lụy từ sự phát triển quá nhanh, nhất là khi thẩm mỹ là lĩnh vực kinh doanh tăng trưởng ở mức 2 con số mỗi năm.
Chỉ riêng tại TP.HCM, mỗi năm có khoảng 250.000 người thực hiện dịch vụ thẩm mỹ các loại, trong đó khoảng 100.000 người làm đẹp trong độ tuổi 25 - 35 tuổi. Trước ma trận của những quảng cáo trên mọi phương tiện thì việc không kiểm soát dẫn đến các biến tướng trong hoạt động thẩm mỹ là tiền đề tất yếu cho những hệ lụy đau lòng.
Đang vào mùa làm đẹp sôi động nhất trong năm, cũng đồng thời là thời điểm của những trường hợp tai biến sau thẩm mỹ liên tục xuất hiện trên các diển đàn thông tin. Thống kê từ Sở Thông tin truyền thông TP.HCM cho thấy, năm 2019, đơn phản ánh, khiếu nại, tố cáo nhận được nhiều nhất liên quan đến nhóm thẩm mỹ viện và phòng khám tư nhân. Tất nhiên, có cả những khiếu nại đúng và cũng không ít những tố cáo sai sự thật.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!