Theo kết quả ban đầu, cả hai bếp ăn công nhân đều đảm bảo quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Thậm chí, đơn vị có bếp ăn tập thể còn chủ động trang bị thêm thiết bị giúp bếp ăn được vệ sinh từ khâu đầu vào lẫn khâu đầu ra.
Trong khâu vệ sinh dụng cụ bếp sau khi nấu, các dụng cụ sẽ được rửa thêm 1 lần nữa bằng thiết bị chuyên dụng, sau đó sấy ở nhiệt độ cao để diệt trừ vi khuẩn. Quy trình này được áp dụng tại cả hai bếp ăn được kiểm tra. Mục tiêu của doanh nghiệp là không chỉ đảm bảo an toàn vệ sinh từ khâu chọn lựa thực phẩm đến khâu chế biến mà kéo dài đến cả trên bàn ăn của công nhân.
Hai bếp ăn được kiểm tra vào sáng 10/7 đều là các bếp ăn tập thể do công ty tự tổ chức. Ưu điểm của bếp dạng này là thức ăn sau khi chế biến được sử dụng tại chỗ. Tuy nhiên, nguy cơ gây ngộ độc lại phát sinh trong quy trình chế biến. Cả hai công ty đều đã khắc phục các lỗi như: sàn nhà lầy lội, ẩm ướt, thiếu hệ thống che chắn cống thoát nước từng bị nhắc nhở trước đó.
Chi phí trung bình cho mỗi suất ăn công nhân được xem là đảm bảo vào khoảng 17.000 - 18.000 đồng. Tại TP.HCM, còn khoảng 6% doanh nghiệp chi trả thấp hơn mức này. Chi phí thấp cũng là nguyên nhân khiến thực phẩm sạch khó tiếp cận được với những bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp. Để công tác vệ sinh an toàn thực phẩm hiệu quả, bên cạnh việc tăng cường thanh kiểm tra từ cơ quan quản lý, bản thân doanh nghiệp cần chủ động thay đổi, nâng chất lượng bữa ăn bởi sức khỏe của người lao động là tài sản của doanh nghiệp. Trong khi đó, các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại khu công nghiệp thường có số lượng lớn nạn nhân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!