Hàng chục hộ dân tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành liên tục gởi đơn tố cáo đến công an huyện về việc bị bà Đỗ Thị Phúc (trú thôn An Hải Tây) lừa đảo chiếm đoạt tiền qua hình thức chơi hụi. Khoảng 70 người đã tham gia đường dây hụi và cho vay với lãi suất cao của bà Phúc, người ít thì mất vài chục triệu, người nhiều thì lên đến 4 – 5 trăm triệu đồng.
Chỉ trong năm 2017, nhiều vụ vỡ hụi với quy mô hàng tỷ đồng đã xảy ra, đẩy nhiều gia đình vào cảnh khốn cùng. Trở lại xã biển Bình Minh, huyện Thăng Bình nơi từng xảy ra vụ bể hụi rúng động cận kề Tết Nguyên Đán 2017. Nỗi đau, nỗi ân hận còn hiện rõ trên khuôn mặt khắc khổ của nhiều nạn nhân khi trót đưa tiền cho đối tượng Trần Thị Hải.
Chơi hụi là hình thức huy động vốn khá phổ biến, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, có một thực trạng là nhiều người chơi hụi nhưng không nắm rõ được số người cùng tham gia cũng như khả năng chi trả của người chủ hụi; đến khi chủ hụi bỏ trốn thì tiền mất, tật mang. Chơi hụi đã dần biến tướng trở thành một trong các loại hình của tín dụng đen, với đặc điểm cơ bản là: tiền lời cao và thường được thỏa thuận bằng miệng. Hậu quả nhãn tiền của những vụ vỡ hụi là số tiền dành dụm, tích cóp sẽ đội nón ra đi cùng chủ hụi, quá trình thu hồi tiền và khởi tố xử lý vụ việc cũng không phải dễ dàng.