TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Tiêu điểm: Hiểm họa sạt lở

Phúc Trưởng, Đức Chung (VTV8)Cập nhật 09:15 ngày 07/08/2018

VTV.vn- Sạt lở và biện pháp khắc phục sạt lở tại các vùng ven sông, ven biển các tỉnh miền Trung luôn là chủ đề nóng. Sạt lở đe dọa mạng sống và cướp đi đất sản xuất của người dân.

Hiện nay, tại các tỉnh như Quảng Trị, Thừa Thiên Huế hay Quảng Nam tình trạng sạt lở tại một số vùng cao, vùng ven sông hay ven biển ngày càng diễn ra với tốc tộ nhanh chóng và hết sức nghiêm trọng. Ngoài nguyên nhân do thiên tai thời tiết, con người cũng góp phần khiến tình trạng này xảy ra. Trong khi chính quyền các cấp đang tìm giải pháp hữu hiệu và lâu dài để giải quyết thì hằng ngày người dân phải đương đầu với nỗi lo sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào. 

Tuyến kè đê biển bảo vệ khu di tích quốc gia đặc biệt địa đạo Vịnh Mốc (xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), qua nhiều đợt mưa bão, hiện tuyến kè này đã bị xói lở hai đoạn lớn và hàng chục đoạn nhỏ. Với bờ biển dài 75km, Quảng Trị hàng năm thường xuyên phải chịu tác động lớn của các cơn bão và áp thấp nhiệt đới, nên đã khiến 10 km bờ biển của địa phương này bị xói lở, trong đó có 6km bị xói lở đặc biệt nghiêm trọng.

Sạt lở không chỉ xảy ra ở vùng ven biển. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế những năm qua, nhiều hộ dân tại tổ dân phố 3, phường Hương Hồ, thành phố Huế phải sống trong tình trạng lo âu, thấp thỏm. Hàng chục mét đất, cây cối, chuồng trại…đã bị sạt lở, cuốn xuống dòng sông Hương cách đây không lâu. Cứ đến mùa mưa bão, nỗi lo càng gia tăng khi nhiều hộ dân chỉ sống cách điểm sạt lở chưa đầy 3m.

Cũng cùng chung cảnh ngộ là người dân ven sông Tam Kỳ đoạn qua thôn Phú Tân xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Theo người dân cho hay, cứ mỗi năm nước cuốn trôi vài ba mét khiến cho khu đất trong làng ngày càng bị thu hẹp uy hiếp nghiêm trọng đến khu dân cư. Nhiều khu vực ven các sông Vu Gia, Thu Bồn của tỉnh Quảng Nam cũng đang bị nạn sạt lở uy hiếp. Cả khu vực này mới chỉ năm trước là cánh đồng trồng bắp và ớt của nhiều hộ dân trong xã…thế nhưng giờ đây, tất cả chỉ là 1 bãi cát như thế này. Mỗi năm xã Điện Trung, huyện Điện Bàn mất hơn cả hecta đất nông nghiệp, chỉ vì sạt lở.

Không chỉ ở vùng biển hay hạ du các con sông mà ngay cả miền núi, tình trạng sạt lở diễn ra hết sức phức tạp và để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Như tại tỉnh Quảng Nam, địa phương có 9 huyện là miền núi, năm 2017, mưa lũ đã khiến 37 người thiệt mạng, hàng trăm ngôi nhà bị vùi lấp, chủ yếu là do sạt lở đất. Trước thực trạng trên, tỉnh Quảng Nam lên phương án hỗ trợ, di dời khẩn cấp nhiều điểm dân cư trước nguy cơ sạt lở cao đến nơi ở mới. Tuy nhiên, việc dời làng, dời nhà rất khó khăn. Lo sợ sạt lở, nhiều gia đình đã dời đến làng mới nhưng phải tá túc trong những ngôi nhà tạm bợ. 

Theo thống kê, nước ta có tổng chiều dài đường bờ biển là 3.260km và hiện nay Việt Nam đang phải đối diện với nguy cơ bờ biển bị xói lở với cường độ mạnh. Nước biển dâng cao khiến hiện tượng biển xâm thực mạnh. Đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp dần, cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cứ mỗi năm mực nước biển dâng cao thêm 1mét thì sẽ làm thiệt hại 17 tỷ đô la Mỹ cho nền kinh tế. Ở khu vực miền Trung, từ năm 2015 – 2017, dọc 865km bờ biển đã xảy ra 249 đoạn bị sạt lở với tổng chiều dài lên đến 400km, trọng điểm là Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, và đoạn từ Đà Nẵng tới Bình Thuận. Riêng các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên đã xảy ra 164 đoạn sạt lở nặng, tổng chiều dài hơn 170km. Đáng chú ý, cường độ sạt lở ven biển có xu hướng gia tăng mạnh trong 10 năm trở lại đây, từ vài mét tới vào chục mét/năm, nhiều đoạn lên tới 100m/năm.

Để ngăn sạt lở, các giải pháp công trình đòi hỏi 1 nguồn kinh phí khổng lồ. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến các bờ kè ven biển hay ven sông không thể triển khai như kỳ vọng bởi thiếu nguồn vốn, dẫn đến sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Còn ở vùng cao, việc xây dựng các khu tái định cư cũng đòi hỏi nguồn vốn không nhỏ, bên cạnh đó là nhu cầu đất sản xuất cho các hộ dân tái định cư. Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước có 1.794 khu vực bị sạt lở thuộc 59/63 tỉnh, thành phố. Điều này cũng đồng nghĩa với người dân của gần 1800 khu vực ấy cần di chuyển đến nơi an toàn. Rõ ràng là bên cạnh các giải pháp chống sạt lở thì điều cấp bách hiện nay là nhanh chóng sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm đồng thời lập bản đồ sạt lở và quy hoạch các vùng an toàn để tái bố trí dân cư.