TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Tiêu điểm: Áp lực học đường – Nhìn từ Bệnh viện tâm thần

Diệu Quỳnh, Đức Chung (VTV8)Cập nhật 07:05 ngày 10/09/2018

VTV.vn - Ngoài áp lực từ chương trình học, điểm số ở trường, chính các bậc phụ huynh cũng tạo áp lực không nhỏ đối với con cái của mình. Nguyên nhân dẫn các em tới bệnh tâm thần.

Có thể thấy, học sinh hiện nay chịu nhiều áp lực từ điểm số, bằng cấp, từ bệnh thành tích và áp lực từ những kỳ vọng của cha mẹ. Đặc biệt trong lứa tuổi dậy thì, áp lực tâm sinh lý của trẻ cũng khá lớn, khiến cho những em ít kỹ năng sống sẽ vượt qua rất khó khăn. 

Khoa tâm thần trẻ em Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp liên quan hoặc xuất phát từ áp lực học đường. Ví dụ như một bệnh nhân từ Quảng Ngãi, học lớp 7, bị tâm thần phân liệt và những áp lực học đường tác động khiến cho bệnh em nặng hơn. Rốt cuộc, em phải dừng việc học ngay trước lúc thi học kỳ 2 và bỏ lỡ 1 năm học.

Trong những năm gần đây, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng đã phối hợp với ngành giáo dục thành phố tổ chức những khóa rèn luyện kỹ năng trong các trường THPT, không chỉ các em học sinh mà cả giáo viên cũng phải tham gia, nhất là những trường không có những chuyên viên tư vấn tâm lý.

Để các giáo viên có thể hỗ trợ cho học sinh khi gặp vấn đề tâm lý thì ngay trong khâu đào tạo tại các trường sư phạm cũng cần có những điều chỉnh. Việc thực hành và tiếp cận thực tế đã được tiến hành song song với những kiến thức trên diễn đàn có thể giúp các nhà giáo tương lai nhận diện và điều chỉnh nhiều vấn đề của chính mình.

Tuy nhiên, liệu những nhà sư phạm tương lai có thể thay đổi được tình hình? Câu trả lời chắc chắn là không. Bởi lẽ, sự thay đổi của giáo viên chỉ là một yếu tố nhỏ trong cả cỗ máy giáo dục. Muốn giảm áp lực học đường hiện nay phải thay đổi tư duy từ thượng tầng, từ xây dựng chương trình học, cách giảng dạy đến đánh giá học sinh... và nhiều vấn đề khác

Câu chuyện phát hiện hàng loạt vụ sửa điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia mới đây cho thấy, áp lực học đường không chỉ có đối với các em học sinh, mà thậm chí, nó nặng nề hơn ở người lớn. Vậy các bậc phụ huynh cũng nên điều chỉnh như thế nào để bớt gay áp lực không đáng có đối với con em mình? 

Như vậy có thể thấy rằng, áp lực học đường là 1 thực trạng có thật. Ngoài nguyên nhân do cha mẹ đặt kỳ vọng hoặc yêu cầu quá cao đối với con em mình, trong khi chương trình học nặng lý thuyết, thiếu những nội dung liên quan đến thực tế, thiếu kỹ năng xử lý tình huống và một nguyên nhân quan trọng là cách đánh giá năng lực học tập liên quan đến điểm số như hiện nay. Chính vì vậy, để mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui thì trước hết, tư duy và quan điểm về giáo dục cần phải thay đổi, ở cả người dạy , tức là ngành giáo dục, và người học bao gồm cả các bậc cha mẹ.

Hà Tĩnh: Người dân bất an khi dùng nước ô nhiễm

VTV.vn- Hiện nay, người dân vùng nông thôn Hà Tĩnh hết sức bất an vì sử dụng nước ao hồ, giếng khoan không đảm bảo chất lượng, nguồn nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn để sinh hoạt.