TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Tan hoang rừng tự nhiên tại huyện Quỳ Hợp, Nghệ An

Nguyễn Sơn, Mạnh HùngCập nhật 23:08 ngày 28/09/2017

VTV.vn - Gần đây tại xã Nam Sơn, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An, hàng chục cây gỗ lớn trong những cánh rừng tự nhiên bị các đối tượng đem đủ loại máy móc vào chặt hạ.

Tại hiện trường vụ chặt phá 47 cây gỗ rừng tự nhiên tại xã Nam Sơn, huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An, đủ các loại gỗ như Dẻ, Táu xanh hàng chục năm tuổi bị chặt hạ, chất thành từng đống lớn dọc các lối mòn. Những khúc gỗ với đường kính trung bình 60cm, dài 3m bị bảo vệ rừng phát hiện khi đang được các đối tượng lâm tặc vận chuyển ra đường mòn để đem đi tiêu thụ. Việc mất trộm gỗ tại những vùng rừng nhà nước giao cho các hộ dân xã Nam Sơn bảo vệ vẫn thường xảy ra, nhưng trước đây chỉ một vài cây. Đây là lần đầu tiên, các đối tượng ngang nhiên sử dụng các loại máy móc khai thác một khối lượng gỗ lớn

Càng đi sâu vào rừng, những gốc cây lớn bị chặt hạ xuất hiện càng nhiều. Không chỉ diện tích rừng giao cho dân quản lý bị phá, mà ngay cả những cây gỗ lớn mọc trên phần đất rừng do UBND xã Nam Sơn quản lý, các đối tượng lâm tặc cũng không tha.

Sau khi vụ việc được người dân phát hiện vào ngày 22/8 và báo cáo các cơ quan chức năng, gần 20 ngày sau, một phần của số gỗ tang vật được đưa về trụ sở UBND xã Nam Sơn. Lãnh đạo xã khẳng định đã khoanh vùng được các đối tượng phá rừng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo xã Nam Sơn, hơn 6000 ha rừng tự nhiên trên địa bàn xã hiện chỉ còn toàn gỗ tạp. Những cây gỗ quý đã bị khai thác hết từ 30 năm trước.

Trước vụ việc này, lãnh đạo cấp huyện và chính lãnh đạo Hạt kiểm lâm cũng đã thừa nhận thiếu sót và cho biết sẽ điều tra làm rõ để xử lý nghiêm. Đến lúc này, đã có hơn 100 bộ hồ sơ đang được cơ quan công an điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

Từ góc nhìn trên cao, 31 ha rừng tự nhiên đã trở thành những mảng đồi trọc và những thân cây gỗ cháy đen vẫn ngổn ngang khắp nơi. Tro than từ vụ cháy trở thành chất dinh dưỡng màu mỡ cho những cây keo lai mới được trồng. Và nếu trồng keo thì chỉ khoảng 5 năm là đã có thể thu được hàng trăm triệu đồng/1 ha – nguồn thu lớn hơn rất nhiều so với việc được giao quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên.