TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Sắc màu mặt nạ Tuồng trong dân gian

Ngọc Bích, Thế PhongCập nhật 17:10 ngày 11/02/2018

VTV.vn - Khó có thể hình dung tại sao mỗi loại mặt nạ lại có một màu sắc; kiểu vẽ khác nhau, nếu không được giới thiệu cũng không hiểu lắm về ý nghĩa của nó.

Mặt nạ là một phần tạo nên cái hồn, cái chất của nghệ thuật Tuồng – một loại hình nghệ thuật độc đáo vừa mang tính dân gian, vừa mang tính bác học của dân tộc. Điều khiến Tuồng trở nên đặc biệt so với các loại hình sân khấu kịch hát dân tộc khác chính là tính ước lệ và mặt nạ không nằm ngoài tính chất đó. Màu sắc dùng trong mặt nạ Tuồng cũng phải thật đậm, đường nét phải thật rõ nét để khắc hoạ thật đậm đà cá tính của nhân vật, để tăng sự biểu đạt của khuôn mặt nghệ sỹ.

Trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ, giữa muôn vàn loại hình nghệ thuật, giải trí hiện đại, mấy chục năm qua tại Đà Nẵng vẫn có một người miệt mài thổi hồn vào những chiếc mặt nạ tuồng để giữ nghề; hay nói một cách nôm na là giữ lấy gốc gác, cội nguồn của cha ông mình bao đời tỏa sáng trên ánh đèn sân khấu… Đó là ông Nguyễn Ngọc Linh – nhân viên ánh sáng Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.

Mê vẽ mặt nạ từ năm 14, 15 tuổi, ông Linh thuộc làu các quy ước cơ bản của mặt nạ như: mặt chữ điền là người chính trực, mặt lưỡi cày là tay đoản hậu, râu rìa lông ngực là tội phản thần, lưỡi mục bất động, tâm tính bất minh…Mỗi chiếc mặt nạ là một sứ giả để khán giả đã yêu thích hoặc chưa yêu thích hiểu được cái hay, cái đẹp của nghệ thuật tuồng. Cũng chính vì lẽ đó mà mỗi khi cầm bút, ông Linh đều vẽ với tinh thần kế thừa và phát triển một cách đúng hướng, tôn trọng nền tảng mà các bậc tiền bối đã dày công vun đắp, đưa tuồng từ một hình thức sân khấu dân gian trở thành một sân khấu truyền thống có tính bác học.

Sắc màu mặt nạ Tuồng trong dân gian - Ảnh 1.

Trên sân khấu tuồng, các nhân vật được phân biệt bởi hình dáng khuôn mặt, râu tóc, các biểu cảm... Chiếc mặt nạ là đặc điểm đầu tiên giúp khán giả nhận ra được nhân vật đó sẽ có tính cách như thế nào.

Công việc của người vẽ mặt nạ là làm sao để tự thân mỗi chiếc mặt nạ sẽ toát lên tính cách nhân vật như chính trực, trung hiếu hay gian manh, xảo quyệt. Những chiếc mặt nạ không còn đơn giản là công cụ giúp diễn viên trên sân khấu hoàn thành tốt vai diễn của mình, mà quá trình làm ra nó chính là một cách để ông lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt.

Nghĩa tình mái ấm quân dân nơi biên giới

VTV.vn- Năm qua, BĐBP tỉnh Đắk Nông đã xây dựng, bàn giao hàng trăm căn nhà tình nghĩa, nhà đồng đội và nhà đại đoàn kết cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn vùng biên giới.