Xuất thân là một biên đạo múa nhưng nghệ sĩ Dương Văn Học lại bén duyên với nghệ thuật múa rối cạn. Ông được coi là người sáng lập và giới thiệu nghệ thuật múa rối độc diễn đương đại lần đầu tiên vào năm 1992, và đến nay ông là người duy nhất ở Việt Nam theo đuổi nghệ thuật múa rối độc diễn này.
Năm nay, nghệ sĩ Dương Văn Học đã 74 tuổi, không còn đi biểu diễn. Nhưng với niềm đam mê nghệ thuật, ông đã thành lập một bảo tàng múa rối độc diễn với tâm nguyện: đây không chỉ là nơi để lưu lại những dấu ấn trong suốt 50 năm hoạt động nghệ thuật của mình, mà còn là nơi để thế hệ sau này có thể nhớ đến và biết được những câu chuyện thú vị về một nghề truyền thống của dân tộc.
Trong nghệ thuật độc diễn rối cạn, điều khó nhất là kết hợp nhuần nhuyễn giữa bàn tay, cánh tay, dây rối và các mặt nạ để qua những hành vi, hành động có tình tiết, người xem cảm và hiểu được ý nghĩa của câu chuyện. Mỗi một con rối ở đây không hẳn chỉ là nhân vật trong 1 vở diễn mà đằng sau nó chứa đựng biết bao nỗi niềm, tâm tư, trăn trở của chính nghệ sĩ văn học qua mỗi chặng đường của cuộc đời.
Những con rối ở Bảo tàng này dường như đều chuyển tải một triết lý về nhân sinh quan, cách sống của nghệ sỹ. Ngoài ra, những con rối gắn với các câu chuyện cổ tích dân gian của Việt Nam cũng được trưng bày với mong muốn tạo niềm vui cho thế giới trẻ thơ và giúp du khách nước ngoài hiểu hơn về một loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc Việt Nam.