Ebola được phát hiện từ năm 1976 như loại virus gây bệnh sốt xuất huyết ở người và các loài linh trưởng với tỷ lệ tử vong lên đến 90%. Ebola là một trong bốn tác nhân gây bệnh nguy hiểm nhất trong danh sách chất độc sinh học cần kiểm soát của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Năm 2015, WHO thừa nhận đã có sai sót trong việc xử lý thông tin và phản ứng chậm vào thời kỳ đầu khi dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi, vì vậy đã bỏ lỡ các cơ hội ngăn chặn Ebola lây lan ngay từ khi mới được phát hiện.
Xác định bệnh nhân đầu tiên: Một phản ứng nhanh chóng và sự phối hợp tốt có thể đảm bảo dịch Ebola sớm được ngăn chặn bằng cách xác định bệnh nhân đầu tiên càng sớm càng tốt cũng như tất cả những người mà họ đã tiếp xúc. Tất cả những người này cần được cách ly theo dõi sức khỏe tại các cơ sở y tế địa phương.
Xử lý chất thải của bệnh nhân Ebola: Quá trình mắc bệnh Ebola bao gồm các triệu chứng như: tiêu chảy, nôn mửa, xuất huyết. Hai y tá ở bang Texas, Mỹ đã nhiễm Ebola sau khi chăm sóc cho bệnh nhân do bệnh viện thiếu quy trình xử lý chất thải nhiễm virus. Cùng với đó là các thủ tục vệ sinh gồm: sử dụng các tấm che mặt, áo choàng và găng tay khi tiếp xúc với người bệnh.
Chuẩn bị sẵn sàng nguồn vaccine dự trữ: Trong số 5 chủng virus Ebola được xác định, chủng nguy hiểm nhất cho đến nay là Zaire, là chủng liên quan đến đợt dịch cách đây 2 năm cũng như ổ dịch mới đây ở Congo. Hiện đã có vaccine ngừa chủng virus này với khoảng 300.000 liều được dự trữ để tiêm phòng cho tất cả bệnh nhân, những người đã tiếp xúc và nhân viên y tế chăm sóc họ.
Một bài học không kém phần quan trọng nữa là không có quốc gia nào có thể đối phó đơn lẻ với đại dịch. Việc hỗ trợ toàn cầu và đáp ứng sớm, phối hợp tốt là điều cần thiết để đảm bảo khống chế có hiệu quả sự bùng phát của dịch bệnh. Sự quay trở lại của dịch Ebola lần này là thách thức, đồng thời cũng là cơ hội cho cộng đồng toàn cầu chứng minh rằng chúng ta đã rút ra được bài học từ đại dịch Tây Phi cách đây 2 năm. Chúng ta không thể hy vọng Ebola sẽ biến mất một cách dễ dàng nhưng có thể hy vọng sẽ giải quyết dịch bệnh này một cách thường xuyên, đến nỗi nó sẽ nhanh chóng dừng lại mỗi khi chớm bùng phát.
Ngăn chặn dịch bệnh Ebola lây lan VTV.vn - Cộng hòa Dân chủ Congo và các cơ quan của Liên Hợp Quốc đã bắt đầu triển khai các nhóm công tác khẩn cấp nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Ebola.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!