TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Nhức nhối tình trạng đuối nước ở trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Ngọc Thúy, Hoàng TuyềnCập nhật 16:45 ngày 14/08/2024

VTV.vn - Dù đã có nhiều cảnh báo nhưng thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn đuối nước khiến nhiều trẻ em tử vong thương tâm.

Tại Đắk Lắk, chỉ trong hơn 1 tuần qua, đã xảy ra liên tiếp 3 vụ đuối nước thương tâm, khiến 6 trẻ em tử vong, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của mỗi gia đình và sự phát triển của trẻ em.

Những đám tang đau lòng cứ rải rác khắp các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số vào mỗi mùa nghỉ hè. Từ 2016 đến nay - tức 9 năm qua, tỉnh Đắk Lắk mất đi ít nhất 580 học sinh vì đuối nước, chủ yếu là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hầu hết các vụ đuối nước trẻ em ở Đắk Lắk nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung xảy ra ở các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sự chủ quan của người lớn, để trẻ tự do vui chơi, trong khi môi trường sống tiềm ẩn nhiều hiểm nguy rình rập từ ao hồ sông suối, giếng nước không nắp đậy, và bản thân những đứa trẻ thiếu kỹ năng bơi lội và xử lý tình huống khi gặp nguy hiểm dưới nước, đã khiến đuối nước trẻ em vẫn đang làm nỗi ám ảnh thường trực.

Đắk Lắk có có hệ thống ao, hồ, sông, suối, thác nước chiếm một tỷ lệ khá lớn và nằm rải rác đều khắp, số đập nước, giếng nước, hồ tưới tiêu của các nông trường, các hộ gia đình làm nông nghiệp tương đối lớn - đó chính là những mối hiểm họa về đuối nước ở trẻ em. Chính vì vậy, các ngành chức năng rất chú trọng, nỗ lực triển khai nhiều giải pháp như tăng cường các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em. Tuy nhiên, hiệu quả trong công tác này vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Trẻ em bị tai nạn, thương tích nói chung, bị đuối nước nói riêng vẫn ở mức cao.

Toàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 1000 trường học, nhưng hiện chỉ có hơn 50 bể bơi. Trong khi đó, không ít trường ở những địa phương với đa phần là học sinh đồng bào thiểu số được ưu tiên đặt bể bơi, phụ huynh lại không mặn mà với việc đăng kí cho con học, dù là miễn phí. Đây là một bất cập gây khó khăn trong công tác quản lý giáo dục. Việc nỗ lực để tạo thêm nhiều bể bơi để học sinh có cơ hội tiếp cận với các kĩ năng phòng chống tai nạn đuối nước tại Đắk Lắk chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Được tài trợ bể bơi, trường tiểu học Chu Văn An ở huyện Cư M’gar, Đắk Lắk đã trích thêm 80 triệu đồng từ nguồn chi thường xuyên của nhà trường để làm hệ thống mái che nhằm đảm bảo sức khỏe học sinh trong quá trình học bơi. Dù đã có nhiều hình thức tuyên truyền như: họp phụ huynh cuối năm, các lễ phát động phòng chống đuối nước và thông qua các trang mạng xã hội.. nhưng cả mùa hè này, chỉ có 2 phụ huynh đến đăng kí cho con học bơi.

Ngoài ra, công tác phối hợp phòng chống đuối nước của các tổ chức đoàn thể, chính quyền vẫn còn chưa được chặt chẽ. Tỉnh Đắk Lắk đang tiếp tục triển khai rộng rãi, hiệu quả các mô hình, dự án liên quan đến phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa trong công tác dạy bơi an toàn cho trẻ em ở cộng đồng, trong trường học. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh công tác tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho cán bộ, người làm công tác trẻ em, gia đình, trường học.

Để trẻ em có một môi trường sống an toàn, lành mạnh cần có sự chung tay trách nhiệm của cả cộng đồng xã hội. Và trên hết là sự quan tâm, giám sát từ chính mỗi gia đình. Đây là điều quan trọng nhất để có thể tránh những hậu quả đáng tiếc, đau buồn do đuối nước gây ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Hà Tĩnh: Người dân bất an khi dùng nước ô nhiễm

VTV.vn- Hiện nay, người dân vùng nông thôn Hà Tĩnh hết sức bất an vì sử dụng nước ao hồ, giếng khoan không đảm bảo chất lượng, nguồn nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn để sinh hoạt.