Sau khi "ra đòn" thương mại áp thuế cao 25% đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD, chính quyền Mỹ đe dọa tiếp tục đánh thuế nhập khẩu cao với số lượng hàng hóa trị giá tới 200 tỷ USD từ tháng 9 tới và sẵn sàng làm điều này với gần như toàn bộ hàng xuất khẩu của Trung Quốc.
Cho đến nay, chính sách của Trung Quốc nhằm đối phó với các nguy cơ từ chiến tranh thương mại Trung Quốc - Mỹ là tương đối rõ ràng và nhất quán. Ở ngoài nước, song song với việc tuyên bố sẽ đáp trả tương đương với các động thái áp thuế của Mỹ, Trung Quốc cũng chuẩn bị hồ sơ để kiện Mỹ ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Bên cạnh đó, Trung Quốc nỗ lực đa dạng hóa những kênh thương mại với các đối tác khác ngoài Mỹ thông qua việc đẩy nhanh quá trình đàm phán ký kết các Hiệp định thương mại tự do FTA và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP.
Ở trong nước, Trung Quốc đưa ra một loạt biện pháp nhằm ổn định thị trường. Một mặt, Trung Quốc tuyên bố giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, qua đó "bơm" thêm tiền, tăng tính thanh khoản cho ngân hàng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn ổn định kinh doanh. Mặt khác, Trung Quốc ra tuyên bố tiếp tục cắt giảm một loạt hạn chế đầu tư nhằm thu hút tối đa các nguồn vốn FDI của nước ngoài. Với lợi thế là thị trường lớn, đông dân, Trung Quốc tăng cường các chính sách nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước như: giảm thuế nhập khẩu hàng tiêu dùng, tăng cường hỗ trợ tự chủ sản xuất.
Trong thông cáo báo chí được đưa ra tại Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi G20, các Bộ trưởng Bộ Tài chính G20 đã cảnh báo, căng thẳng thương mại gia tăng đã gây ra nguy cơ cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Các Bộ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường đối thoại và hành động nhằm giảm nhẹ những nguy cơ, tăng cường lòng tin nhằm giải quyết xung đột thương mại thông qua hợp tác quốc tế mà không phải viện tới các biện pháp ngoại lệ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!