Đây không phải là lần đầu tiên Kỳ Sơn phát hiện các bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu. Những năm trước đó, tại địa phương này cũng đã xuất hiện các ổ dịch lẻ tẻ. Đáng nói là các bệnh nhân đều chưa được tiêm chủng, dù đây là 1 trong những mũi tiêm có trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em theo định kỳ.
Bệnh bạch hầu là loại bệnh hiếm gặp và nguy hiểm. Nếu bệnh nhân không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Tuy nhiên, bệnh có thể đề phòng dễ dàng bằng cách giữ vệ sinh sạch sẽ, hạn chế tiếp xúc nguồn bệnh; đặc biệt là thực hiện tiêm chủng ngay từ nhỏ. Vắc xin bạch hầu có trong tất cả các vắc xin kết hợp 3 trong 1; 4 trong 1; 5 trong 1, hay 6 trong 1, dành cho trẻ từ 6 tuần đến 6 tuổi.
Là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, bệnh bạch hầu có nguy cơ cao lây nhiễm cho những người tiếp xúc. Chính vì vậy, ngay sau khi nhận được thông tin, cơ quan y tế đã về nơi bệnh nhân sinh sống, học tập để điều tra, rà soát, khoanh vùng dịch tễ, cách ly, phun khử khuẩn toàn bộ khu vực có dịch, đồng thời, tiến hành lấy 24 mẫu bệnh phẩm của những người nguy cơ cao gửi Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm, phân lập chủng virus. Ngành y tế Nghệ An cũng đã triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn chặn, khống chế dịch bệnh kịp thời.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!