Thư pháp gia Nguyễn Phúc Vĩnh Thọ từng có thời gian dài công tác trong ngành giáo dục ở Huế. Nghiên cứu thư pháp đã lâu, nhưng từ lúc về hưu, ông mới có thời gian dành hết cho môn nghệ thuật này. Buổi đầu làm quen với thư pháp, số người am hiểu thư pháp ở Huế không nhiều, thư pháp ngày càng bị mai một. Điều đó càng thôi thúc ông cố công tìm tòi, tự luyện là chính, nhằm đưa bộ môn nghệ thuật đặc sắc này trở lại trên đất cố đô. Đối với ông, một bức thư pháp đẹp gồm ba yếu tố, đó là chất, hình và thần khí.
Hầu hết những bức thư pháp của thư pháp gia Vĩnh Thọ là những bài thơ Thiền. Ông quan niệm đó là tinh hoa của chữ Việt và thơ Việt. Với mong muốn lưu giữ và phát triển bộ môn nghệ thuật này, năm 2000, ông gia nhập Câu lạc bộ Thư pháp Huế và đảm nhận vai trò Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ.
Ngoài việc chia sẻ thú tao nhã với các thành viên trong câu lạc bộ, ông Vĩnh Thọ còn mở các lớp dạy thư pháp cho nhiều người có sở thích viết thư pháp. Những người đến ông học thư pháp gồm rất nhiều thành phần và đủ mọi tuổi tác. Tuổi cao, sức không còn nhiều nhưng ông vẫn nhiệt tình hướng dẫn cho tất cả những người có đam mê học viết thư pháp. Bằng sự tận tâm của ông, nhiều người đã trở nên yêu thích và trân trọng bộ môn nghệ thuật này.
Có thể nói, thư pháp gia Nguyễn Phúc Vĩnh Thọ là một trong những người đặt viên gạch đầu tiên cho nghệ thuật thư pháp tại Huế. Không chỉ đam mê mà ông còn mong muốn chia sẻ đam mê ấy cho nhiều người khác nhằm phát triền thư pháp Huế.