Ở thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong (Bình Thuận), hàng trăm gia đình sống bằng nghề lưới rê. Nhưng sinh kế ấy bị đứt gãy kể từ khi vùng biển này bị những tàu cá giã cào bay hoành hành. Mỗi lần giã cào bay quét qua là mỗi lần những nghề cá khác rơi vào thảm cảnh giàn lưới bị phá hủy, thậm chí nhiều ngư dân suýt mất mạng. Mỗi thuyền nghề lưới rê, ngư dân sắm đến 5 giàn lưới, tương ứng với số vốn bỏ ra không dưới 100 triệu đồng. Vậy mà khối tài sản ấy lại bị mất sạch mỗi khi gặp phải những tàu giã cào bay trên biển.
Chỉ riêng những làng biển tại thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong, 10 thuyền nghề lưới rê thì cả 10 đều là nạn nhân của tàu giã cào bay. Nhiều ngư dân trở nên trắng tay, nợ nần chồng chất khi ngư cụ nhiều lần bị tàu giã cào bay phá hủy. Bức xúc của ngư dân lên đến đỉnh điểm khi càng ngày, những tàu cá giã cào bay càng hoạt động bất chấp sự lên tiếng của ngư dân, bất chấp những đợt kiểm tra, xử phạt của cơ quan chức năng.
Vùng biển Bình Thuận luôn là điểm nóng của giã cào bay. Nơi đây không chỉ tập trung hàng trăm tàu cá giã cào bay của ngư dân Bình Thuận mà có cả tàu giã cào bay của các tỉnh khác như Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang... Nhiều tàu giã cào bay hoạt động sai tuyến, vi phạm vùng khai thác.
Năm ngoái, các cơ quan chức năng ở tỉnh Bình Thuận đã xử lý 54 vụ giã cào bay vi phạm, tước giấy phép khai thác thủy sản. Nhưng điều đó không có nghĩa mức độ vi phạm của giã cào bay sẽ được khống chế.