Trong số 93 trường hợp được chọn đi đào tạo bằng ngân sách thành phố Đà Nẵng nay xin rút khỏi đề án, có 40 người xin nghỉ việc. Trước tình hình này, thành phố kiện ra toà án 32 trường hợp để đòi lại chi phí đào tạo. Theo tìm hiểu, các nhân lực này được đào tạo trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ từ nước ngoài. Nguyên nhân chủ yếu khiến họ xin rút hoặc tự ý phá bỏ cam kết là tiền lương thấp, điều kiện làm việc không đảm bảo, có không ít trường hợp làm không đúng ngành nghề đào tạo.
Sở dĩ TP Đà Nẵng chưa giữ chân được nhân tài, nhiều ý kiến cho rằng quy định chế tài trong hợp đồng thỏa thuận đào tạo, sử dụng chưa nghiêm, chưa đủ mạnh. Các quy định về thu hút nhân tài của Đà Nẵng cũng không thể thoát ra khỏi các quy định của pháp luật. Ví dụ như việc các học viên phải bồi hoàn chi phí gấp 5 lần nếu vi phạm hợp đồng, nhưng quy định này không thể thực thi vì trái với quy định của luật. Điều này cho thấy chính sách thu hút nhân tài ở Đà Nẵng đang có nhiều lỗ hổng.
Sẽ chưa dừng ở con số 93 hay 100, nhiều khả năng số nhân tài quay lưng với đề án 922 của Đà Nẵng sẽ tiếp tục tăng. Tính đến nay, thành phố này đã đào tạo khoảng 1.900 lượt người. Đây là nguồn nhân lực chiến lược, song những khủng hoảng gần đây về đào tạo và sử dụng đã khiến chủ trương này chưa đạt kết quả như mong muốn. Đổi mới tiền lương, bố trí việc làm cho nhân tài đang là đòi hỏi không riêng gì của Đà Nẵng mà còn là nhu cầu cần thiết của cả nước hiện nay.