TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Khoảnh khắc "Vàng" của "Khoảng trống sau bão"

Hồ Hồng (VTV8)Cập nhật 13:23 ngày 26/12/2017

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lên sân khấu trao giải cho các tác giả đạt giải Vàng thể loại Phóng sự & Phim tài liệu. Ảnh: LHTHTQ

VTV.vn - "Khoảng trống sau bão" là một trong những tác phẩm đạt giải vàng trong kỳ liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2017, do các phóng viên Trung tâm THVN tại Phú Yên sản xuất.

"Gần 500 tác phẩm, mang đến những cách thể hiện đa dạng, mới mẻ, có chiều sâu, sự nhiệt huyết và sáng tạo từ các đài truyền hình…" - Đó là đánh giá của Trưởng Ban tổ chức Liên hoan, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam về Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 37 (LHTHTQ 37) được tổ chức tại trung tuần tháng 12 năm 2017 tại Thanh Hóa.

Khoảnh khắc Vàng của Khoảng trống sau bão - Ảnh 1.

Ông Trần Bình Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Chủ tịch LHTHTQ lần thứ 37 phát biểu tổng kết LHTHTQ năm nay

27 giải Vàng, 50 giải Bạc và 133 Bằng khen đã được trao tại LHTHTQ 37, ghi nhận những đóng góp tích cực của những người làm truyền hình đối với sự phát triển đất nước. Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Phú Yên đã giành được 1 giải vàng cho thể loại Phóng sự. Tác giả của phóng sự "Khoảng trống sau bão" là các phóng viên phòng tin tức, trong đó phóng viên Tấn Quýnh là người chấp bút. Giải vàng lần này không phải là giải vàng đầu tiên anh nhận được, nhưng cảm xúc về phóng sự thì theo anh, vẫn là cái gì đó khiến anh vỡ òa. Phóng viên chuyên trang điện tử VTV8 đã có cuộc trao đổi với phóng viên Tấn Quýnh sau khi LHTHTQ lần thứ 37 kết thúc.

*Tác phẩm "Khoảng trống sau bão" của anh đạt giải vàng cho thể loại phóng sự trong lần liên hoan này. Cảm xúc của anh như thế nào?

Phóng viên Tấn Quýnh: Có lẽ không riêng tôi mà bất cứ người làm truyền hình nào cũng đều chung một niềm hạnh phúc rất lớn khi tác phẩm của mình đạt giải tại Liên hoan truyền hình toàn quốc. Thực ra, những người làm thời sự kênh VTV8 như tôi, sản xuất chương trình truyền hình nào, mục đích đầu tiên là muốn đưa đến khán giả, được khán giả đón nhận chứ không phải là sản xuất để tham gia Liên hoan truyền hình. Và khi đưa tác phẩm tham gia Liên hoan truyền hình toàn quốc, với tôi, đó là có dịp để nhìn lại chính mình. Những chương trình truyền hình có chất lượng cùng hội tụ, cùng được xem xét, đánh giá là cách rất tốt để bản thân tôi nhận ra tác phẩm của mình đang ở mức nào, có gì chưa tốt để rồi điều chỉnh và có được chương trình truyền hình đáp ứng nhu cầu khán giả.

Khoảnh khắc Vàng của Khoảng trống sau bão - Ảnh 2.

Phóng sự "Khoảng trống sau bão" đạt Huy chương vàng thể loại Phóng sự trong Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 37 tại Thanh Hoá

* PV: Anh có thể chia sẻ thêm về nội dung của phóng sự "Khoảng trống sau bão"? 

Phóng viên Tấn Quýnh: Cơn bão số 12 quét qua các tỉnh Nam Trung bộ để lại nhiều khoảng trống: Từ những khoảng trống hữu hình trên vùng biển mà trước đây đan dày lồng bè thủy sản đến những khoảng trống vô hình trong những gia đình khi mất những người thân yêu nhất…. Từ những mất mát này, nhóm thực hiện phóng sự muốn tìm câu trả lời trước nỗi day dứt: vì sao có quá nhiều người thiệt hại do bão? Vì sao bão vào mà vẫn còn nhiều người trên lồng bè giữa biển? Câu chuyện khoảng trống sau bão được lý giải bằng những khoảng trống trước bão- đó là khoảng trống về mặt quản lý lao động lồng bè trên biển. Vấn đề này, cả thời gian dài vừa qua, gần như không được chú ý đến.

Khoảnh khắc Vàng của Khoảng trống sau bão - Ảnh 3.

Phóng viên Tấn Quýnh cùng các nhân vật trong phóng sự "Khoảng trống sau bão"

*PV: Đối với anh, giải thưởng này có ý nghĩa như thế nào? 

Phóng viên Tấn Quýnh: Như đã nói, với tôi, việc có tác phẩm tham gia Liên hoan truyền hình toàn quốc là dịp để thêm một lần nữa học cách làm phóng sự. Khi phóng sự làm ra được Ban Giám khảo đánh giá, bản thân tôi tự rút ra thêm nhiều điều quý giá cho công việc. Tôi có thêm niềm tin rằng: nếu phóng sự đúng nghĩa nằm trong dòng chảy thời sự, bám sát những câu chuyện mà người dân quan tâm thì sẽ được khán giả đón nhận.

* PV: Thông điệp gì anh mong muốn khán giả đón nhận qua phóng sự này? 

Phóng viên Tấn Quýnh: Một phần của câu chuyện " Khoảng trống sau bão" đã được đưa đến khán giả qua các phóng sự thời sự trên bản tin VTV8.  Sau khi phát sóng, có khán giả chia sẻ với tôi rằng: đó là câu chuyện đầy ám ảnh. Ám ảnh để rồi có thêm bài học trong ứng phó với thiên tai, mà điều đó thì vẫn luôn là câu chuyện thời sự, nhất là vùng đất miền Trung quanh năm thiên tai chồng chất.

Khoảnh khắc Vàng của Khoảng trống sau bão - Ảnh 4.

Phóng viên Tấn Quýnh cùng các nhân vật trong phóng sự "Khoảng trống sau bão"

* PV: Trong phóng sự tôi thấy có rất nhiều hình ảnh đẹp, giàu biểu cảm, xúc động, vậy hình ảnh đó được biên tập và quay phim trao đổi như thế nào?

Phóng viên Tấn Quýnh: Nhóm tác nghiệp chỉ hai người: biên tập và quay phim, tác nghiệp trong điều kiện không có nhiều thời gian vì hầu như ngày nào cũng phải đưa tin về bão số 12 trong các bản tin của VTV8 và VTV1. Chính vì vậy, nhóm làm việc gần như theo phản xạ : quan sát, nhìn thấy hình ảnh liền quay hình, khai thác thông tin. Nhóm tác nghiệp không có nhiều thời gian để đầu tư về hình ảnh, nhưng có lẽ chính sự chân thực của hình ảnh khiến người xem xúc động. Chúng tôi suy nghĩ rằng: mình cũng là người miền Trung, những làng biển, những gia đình trong làng biển cũng như làng xóm của mình, cũng như người thân của mình, mình nhìn sự việc ấy như thế nào thì lúc quay hình cũng như thế ấy.

* PV: Nhân vật trong phóng sự chỉ là một trong nhiều nhân vật anh đã gặp trong quá trình tác nghiệp. Có điều gì đó khiến anh phải đau đáu khi thực hiện phóng sự này? Anh có thể chia sẻ thêm về câu chuyện này được không?

Phóng viên Tấn Quýnh: Ai cũng vậy thôi, không thể không day dứt khi đến những gia đình có người thân bị thiệt mạng trong bão. Thời điểm chúng tôi dến một gia đình ở xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa là đã 1 tháng sau bão, nhưng gia đình vẫn chưa tìm thấy tung tích của đứa con trai gặp nạn trên lồng bè khi bão vào. Nỗi khắc khoải của người mẹ khi chưa tìm thấy con. Người cha dạn dày sóng gió cũng đã khóc rất nhiều khi thương con trai còn nằm lạnh lẽo dưới biển. Phận người trên lồng bè giữa biển, theo lời của những người dân trong vùng, là quá mong manh. Điều này ám ảnh nhóm thực hiện phóng sự mãi đến lúc này.

* PV: Câu chuyện của miền Trung như chúng ta vừa trao đổi, có gì đó rất ảm đạm. Nhưng vốn dĩ người miền Trung rất kiên cường. Có gì tươi sáng phía trước mà anh cùng đồng nghiệp muốn hướng tới không? 

Phóng viên Tấn Quýnh: Tính đến hôm nay là đã gần hai tháng sau bão số 12. Hai tháng qua là khoảng thời gian đầy nặng nề với người vùng biển. Và hai tháng qua, phóng viên VTV 8 vẫn liên tục quay lại những làng biển hứng chịu gió bão. Có một điều rất mừng, sau mỗi lần quay về vùng biển là thấy những làng biển bớt ngổn ngang hơn, cuộc sống ổn định hơn. Nhiều người dân vùng biển nói rằng: mất người, mất của do bão nhưng vẫn phải sống, vẫn phải làm lại từ đầu. Hiện tại, nhiều tàu cá đã được sửa chữa xong và ra khơi trở lại, một số lồng bè thủy sản cũng được nuôi trở lại. Suy nghĩ của người làng biển hay lắm. Biển mùa gió bão lấy đi của họ rất nhiều nhưng rồi biển cũng sẽ bình yên, ban cho họ lại nhiều thứ. Người làng biển chẳng bao giờ bỏ biển.

Cảm ơn anh! Chúc anh và đồng nghiệp VTV Phú Yên luôn có sức khỏe để cống hiến hết mình để có những phóng sự chân thực, phản ánh cuộc sống sôi động của người dân miền Trung và Tây Nguyên. 

Nghĩa tình mái ấm quân dân nơi biên giới

VTV.vn- Năm qua, BĐBP tỉnh Đắk Nông đã xây dựng, bàn giao hàng trăm căn nhà tình nghĩa, nhà đồng đội và nhà đại đoàn kết cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn vùng biên giới.