Chuyện Công ty cổ phần Đường Kon Tum chậm thu mua mía không phải là mới, nhưng vẫn khiến nhiều hộ nông dân điêu đứng. Bởi lẽ, cây mía chậm thu hoạch ngày nào thì sẽ mất chữ đường, sụt giảm sản lượng ngày đó.
Khi đặt bút ký hợp đồng với nông dân, Công ty cổ phần Đường Kon Tum không hề cam kết khi nào sẽ tổ chức thu mua sản phẩm đối với từng diện tích và khu vực trồng mía. Công ty bỏ mặc cho bà con tự sản xuất, tự gieo trồng. Trong khi với nguyên liệu mía, cần phải xuống giống cùng lúc và thu hoạch đồng bộ thì mới đạt năng suất cao và chữ đường tốt. Để rồi, khi mía đến kỳ phải thu hoạch, bà con nông dân mới cay đắng nhận ra Công ty chỉ thu mua dựa trên lịch sản xuất của chính họ. Vì vậy, có nhiều diện tích mía khô héo mà vẫn chưa thể thu hoạch.
Khó khăn của bà con nông dân càng tăng cao khi Công ty Cổ phần Đường Kon Tum không mặn mà với khâu sản xuất do giá đường bị sụt giảm. Sau Tết Nguyên đán, hàng trăm hecta mía vẫn phơi đồng, khiến hàng trăm gia đình khổ sở nhìn ruộng mía từng ngày mất giá.
Năm 2018 tỉnh Kon Tum có gần 1.560 hecta mía, giảm hơn 500 hecta so với năm 2017 và chỉ đạt khoảng 80% kế hoạch đề ra. Tính riêng địa bàn thành phố Kon Tum, diện tích cây mía hiện chỉ còn 900 hecta, giảm trên 300 hecta so với năm 2017. Nguyên nhân do người dân quay lưng, không còn mặn mà với cây mía. Bước vào niên vụ 2019, dự kiến diện tích mía nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục giảm nhiều hơn nữa, bởi lòng tin của người dân đối với Công ty cổ phần Đường Kon Tum gần như đã cạn kiệt sau nhiều lần bị bội tín.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!