TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Khánh thành dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu

Xuân Hướng, Cảnh ToànCập nhật 22:02 ngày 19/10/2023

VTV.vn- Công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu vừa được cắt bang khánh thành vào sáng nay, 19-10.

Lễ khánh thành dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu do Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với 2 tỉnh Thanh Hoá và Nghệ An tổ chức tại cửa phía Bắc hầm Trường Vinh thuộc xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Dự lễ khánh thành có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan cùng các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Ninh Bình, Hà Tĩnh. Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Thái Thanh Quý, Uỷ viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Nguyễn Đức Trung, PBT Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Hồng Vinh, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, PCT Thường trực UBND tỉnh.

Hai dự án cao tốc QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu đã được thông xe kỹ thuật vào dịp 2/9 vừa qua. Trong đó, Dự án QL45 - Nghi Sơn chiều dài hơn 43km, có 2 nút giao liên thông, tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng. Dự án Nghi Sơn - Diễn Châu chiều dài 50km, có 3 nút giao liên thông, tổng mức đầu tư gần 7.300 tỷ đồng. Dự án triển khai đúng vào thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; thời tiết rất khắc nghiệt. Chỉ tính riêng năm 2022, công trường dự án QL45 - Nghi Sơn đón nhận 181 ngày mưa. Trên công trường Nghi Sơn - Diễn Châu, 2 tháng chạy nước rút cuối cùng, thời gian mưa kéo dài quá nửa. Ngoài ra, do vướng mắc về cơ chế, nên thủ tục cấp phép mỏ vật liệu bị chậm, giá nhiên liệu, vật liệu liên tục tăng cao. Khối lượng đền bù, giải phóng mặt bằng lớn cũng là thách thức không hề nhỏ.

Giữa muôn vàn khó khăn, dự án được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các bộ ban ngành; cấp uỷ, chính quyền và nhân dân 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Chính những chỉ đạo kịp thời của Chính phủ đã từng bước tháo gỡ vướng mắc cho các bộ, ban, ngành; các địa phương và các nhà thầu. Trong thời gian hơn 2 năm thi công, chỉ riêng với dự án Nghi Sơn – Diễn Châu, các nhà thầu đã huy động lượng nhân công, thiết bị lớn nhất trong lịch sử: Khoảng 2.000 người cùng khoảng 800 đầu thiết bị làm liên tục. Với những công trình như hầm Trường Vinh, các kỹ sư, công nhân thi công liên tục 3 ca, 4 kíp xuyên lễ, Tết. Nhờ sự vào cuộc, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các khó khăn, vướng mắc sớm được tháo gỡ. Những điểm nghẽn về mặt bằng như cầu Diễn Đồng, cầu vượt Diễn Đoài, Nghệ An cuối cùng cũng được giải quyết để đưa các dự án về đích đúng hẹn.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung và Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, các nhà thầu thi công và đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động đã làm việc không quản ngày đêm, xây dựng công trình đảm bảo chất lượng và tiến độ. Cảm ơn sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi dự án. Để phát huy tối đa hiệu quả khai thác tuyến đường bộ cao tốc, đảm bảo mục tiêu đầu tư, đại diện lãnh đạo hai tỉnh cam kết trong thời gian tới sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải tổ chức hoàn thiện các nút giao kết nối tuyến đường bộ cao tốc với mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh. Quản lý chặt chẽ, bài bản, hiệu quả trong việc sử dụng, khai thác quỹ đất tại khu vực nút giao và các không gian phát triển mới gắn với các tuyến cao tốc; thực hiện tốt công tác bảo vệ hành lang giao thông, phối hợp quản lý, khai thác hiệu quả các tuyến đường giao thông trên địa bàn, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn và thông suốt. Đồng thời, 2 tỉnh cũng đề xuất Bộ Giao thông vận tải báo cáo Quốc hội, Chính phủ có kế hoạch đầu tư xây dựng hoàn thiện dự án với quy mô 6 làn xe theo quy hoạch; Tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng các đoạn tuyến đường kết nối với nút giao liên thông đường bộ cao tốc nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải ngày càng tăng cao; hoàn thiện đồng bộ hệ thống đường gom tạo điều kiện cho việc đi lại, sản xuất, sinh hoạt của người dân dọc hai bên tuyến. Riêng tỉnh Nghệ An, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với Nhà đầu tư xử lý dứt điểm các vướng mắc còn lại trong công tác GPMB để bàn giao cho đơn vị thi công thực hiện dự án đường bộ cao tốc đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt đảm bảo theo đúng tiến độ yêu cầu.

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tầm quan trọng của mạch máu giao thông đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; khẳng định sự quan trọng của hai dự án đối với cơ hội kết nối vùng, mở rộng không gian phát triển cho 2 tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá. Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng biểu dương các nhà thầu thi công, các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn để đưa dự án về đích đúng hạn. Trong đó, có nhiều quyết sách, chủ trương cần được đúc rút làm bài học để nhân rộng. Phó Thủ tướng đồng thời gợi mở một số vấn đề về định hướng phát triển cho vùng Thanh Hoá, Nghệ An sau khi các đoạn cao tốc được đưa vào khai thác.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đề nghị khẩn trương chuẩn bị các bước giai đoạn 2 của dự án; công tác đầu tư, quản lý các hạ tầng đi kèm một cách đồng bộ như: các trạm dừng nghỉ, trạm cung cấp năng lượng. Đặc biệt, các địa phương Nghệ An, Thanh Hoá cần tiếp tục chăm lo đời sống của Nhân dân đã bị ảnh hưởng bởi dự án.

Hai dự án thành phần QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu thông xe vào tháng 9 rút ngắn thời gian từ Hà Nội về Nghệ An từ 4 - 5 tiếng còn khoảng 3 tiếng, lộ trình Nghệ An - Thanh Hoá từ 3 tiếng chỉ còn khoảng 1,5 tiếng. Không chỉ góp phần giảm chi phí vận tải, logistics, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân, hai tuyến cao tốc được đưa vào khai thác sẽ giúp các địa phương nơi cao tốc đi qua mở ra nhiều cơ hội để đón nhận đầu tư, phát triển kinh tế, du lịch, từng bước tạo được sự bứt phá.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!