TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Hàng ngàn tấn cá tồn kho - Làng nghề điêu đứng

Anh phương - Nam Trung (VTV8)Cập nhật 14:02 ngày 04/08/2019

VTV.vn - Gần 2 tháng nay, người dân làng nghề hấp sấy cá của huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị gặp nhiều khó khăn vì cá thành phẩm không thể xuất khẩu được.

Nếu như mọi năm, Cơ sở hấp cá của ông Hoàng Minh Thảo ở xã Gio Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị mỗi tháng hấp được từ 40 – 50 tấn cá, thì năm nay giảm lại còn chưa đến 20 tấn. Lượng cá hấp không được nhiều, kéo theo đó là nhân công thất nghiệp, nợ nần chồng chất … Ông Thảo cho biết: Không biết có chuyện gì mà hàng của ông đọng lại ở cửa khẩu, không xuất được. Hàng tồn đọng, trong khi vay ngân hàng lãi suất cao để mua cá... Kéo dài tình trạng này gia đình ông sẽ gặp khó khăn lớn.

Khó khăn của gia đình ông Thảo cũng là tình trạng chung của hàng trăm cơ sở hấp sấy cá nục ở vùng ven biển xã Gio Việt và thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Nguyên nhân xuất phát là do thương lái Trung Quốc từ chối nhập hàng do chính sách nhập khẩu của nước này được siết chặt, yêu cầu giấy chứng nhận nguồn gốc và an toàn thực phẩm của cá nục khô, nhưng hầu hết bà con ngư dân đều không đăng ký.

Ông Trần Văn Quảng – Chủ tịch UBND huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị cho biết: Từ trước đến nay, bà con đang làm ăn một cách tự phát nên xảy ra vấn đề tồn kho khi bạn hàng không thu mua. Để làm ăn lâu dài và ổn định bà con phải có chứng nhận an toàn thực phẩm và xây dựng thương hiệu của mình.

Trong khi chờ đợi những giải pháp từ chính quyền địa phương thì hơn 1000 tấn cá nục hấp khô đóng gói vẫn phải nằm trong kho đông lạnh. Đây lại là thời điểm chính vụ của nghề hấp cá phơi khô xuất khẩu, rất cần đến giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trước mắt cho bà con ngư dân nơi đây.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Nghĩa tình mái ấm quân dân nơi biên giới

VTV.vn- Năm qua, BĐBP tỉnh Đắk Nông đã xây dựng, bàn giao hàng trăm căn nhà tình nghĩa, nhà đồng đội và nhà đại đoàn kết cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn vùng biên giới.