Thời gian vừa qua, thời tiết bất lợi đã khiến hơn 2500 ha lúa Đông Xuân của bà con nông dân Hà Tĩnh bị nhiễm bệnh đạo ôn. Công tác phòng trừ sâu bệnh đang được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương gấp rút triển khai nhằm hạn chế tình trạng dịch bệnh lây lan trên diện rộng, gây mất mùa như vụ Đông Xuân 2017. Và mặc dù đã tích cực phun thuốc diệt đạo ôn, nhưng đến gần cuối vụ, hàng trăm hộ nông dân mới ngã ngửa mình mua phải thuốc trừ sâu kém chất lượng.
Xin nhắc lại rằng, Hà Tĩnh đối mặt với mất mùa nghiêm trọng nhất vào năm 2017 với hơn 11.000 ha lúa bị mất trắng vì đạo ôn cổ bông. Mặc dù Hà Tĩnh đã thay đổi qua nhiều giống lúa, nhưng thực tế cho thấy các giống lúa địa phương đang sử dụng có khả năng kháng đạo ôn rất kém, đặc biệt là đạo ôn chủng mới. Thực trạng này đòi hỏi tỉnh Hà Tĩnh cần sớm nghiên cứu 1 bộ giống lúa chất lượng cao và có khả năng phòng chống dịch bệnh tốt hơn.
Bài học rút ra từ nhiều vụ mùa thất bát ở Hà Tĩnh do dịch bệnh đạo ôn đó là không được lơ là đối với dịch bệnh, đặc biệt là đạo ôn cổ bông; cần phát hiện sớm và tuân thủ nghiêm ngặt phun thuốc, nhất là khi lúa trổ, kể cả gần cuối vụ. Đó là quan điểm, cũng như khuyến cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) từ nhiều đợt dịch xảy ra ở Hà Tĩnh.
Chưa có đánh giá cuối cùng về thiệt hại trên diện tích 2500 ha lúa bị bệnh đạo ôn, bởi còn khoảng 10 ngày nữa Hà Tĩnh mới tiến hành thu hoạch những trà lúa đầu, song điều có thể chắc chắn rằng, dịch bệnh trên diện rộng sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng lúa, kéo theo đó là khó khăn về lương thực và năng lực tái sản xuất cho vụ tới. Trong khi chờ đợi những giải pháp hữu hiệu từ cơ quan chức năng, điều mà nông dân Hà Tĩnh lo lắng hơn cả, đó là liệu vụ sau có tái diễn dịch bệnh như thế này ?