Mặc dù ngành y tế, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền về nguy cơ và phương thức phòng bệnh dại nhưng số ca mắc ở Gia Lai vẫn cao nhất cả nước.
Mới đây, 1 bé gái 4 tuổi tại Gai Lai mắc bệnh dại tử vong sau gần 1 tháng bị chó nhà nuôi cắn nhưng không được tiêm phòng dại. Qua điều tra của địa phương, có gần 10 người khác hoặc bị chó cắn hoặc bị phơi nhiễm liên quan đến trường hợp này. Địa phương cũng đã khẩn trương xử lý bằng việc tổ chức cho những trường hợp này đến các cơ sở y tế can thiệp; vận động người dân không thả rông chó, mèo và tiêu độc khử trùng môi trường. Tình trạng nuôi chó, mèo thả rông và không tiêm phòng dại cho loại vật nuôi này vẫn còn khá phổ biến tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số tại Gia Lai. Nguy hiểm hơn, tâm lý chủ quan sau khi bị chó, mèo nuôi cắn mà không kịp thời tiêm phòng đã dẫn đến việc số tử vong do bệnh dại ở địa phương này còn ở mức cao.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Gia Lai đã yêu cầu các địa phương khẩn trương bố trí nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn; đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong quản lý và tiêm vắc-xin phòng-chống bệnh dại cho chó, mèo nuôi; hướng dẫn người bị chó, mèo cào cắn đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời, đồng thời yêu cầu Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thông và và Sở Y tế chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường quản lý đàn chó mèo nuôi, triển khai công tác tiêm phòng vắc-xin, giám sát, phát hiện dịch bệnh, kịp thời xử lý các ổ dịch bệnh dại; kịp thời chia sẻ thông tin các trường hợp người bị chó, mèo cào, cắn đi tư vấn điều trị.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!