Từ năm 2010, "Dự án phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên" còn gọi Dự án Flitch đã được triển khai tại 5 tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Phú Yên. Đây được xem là cơ hội để người dân miền núi thiếu đất sản xuất gắn bó với nghề rừng, phát triển rừng bền vững. Thế nhưng, đến thời điểm này khi nhiều cánh rừng trồng theo dự án cho thu hoạch cũng là lúc nhiều hạn chế của dự án này đã bộc lộ, trong đó có việc giao đất rừng chưa hợp lý.
Tại tỉnh Phú Yên, dự án Flitch đã trồng được hơn 3.000 ha rừng sản xuất, giao khoán cho người dân quản lý bảo vệ hơn 11.000 ha rừng các loại. Từ khi dự án được triển khai, hạ tầng giao thông miền núi phục vụ việc bảo vệ rừng, chữa cháy rừng được cải thiện; thu nhập của một số hộ dân có nâng lên. Thế nhưng, nhiều cánh rừng vẫn tiếp tục "chảy máu", mà người trực tiếp gây ra lại là cán bộ xã, có nơi là sự buông lỏng quản lý của ngành kiểm lâm, khiến những hộ dân thiếu đất sản xuất bức xúc và dự án cũng giảm ý nghĩa.
Nổi lên gần đây là vụ việc lợi dụng khai thác rừng trồng để chặt phá cây rừng tự nhiên ở xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa. Bên cạnh chỉ đạo điều tra làm rõ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương hưởng lợi dự án tăng cường quản lý rừng trồng từ nguồn vốn dự án Flitch. Trong đó, nghiêm cấm việc chặt cây rừng tự nhiên có đường kính 10 cm trở lên.