TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Đấu tranh với tội phạm mua bán động vật hoang dã

Quang Tiến, Thiện Linh, Lan Phương, Thanh LongCập nhật 16:37 ngày 09/10/2023

VTV.vn-Tại các địa phương khu vực miền Trung Việt Nam, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã có nhiều biện pháp mạnh mẽ đấu tranh với các đối tượng vi phạm pháp luật về động vật hoang dã

Từ đầu năm 2021 đến nay, Công an tỉnh Nghệ An đã xử lý trên 30 vụ, bắt giữ trên 22 đối tượng liên quan đến buôn bán, nuôi nhốt động vật hoang dã. Trong đó, xử lý hình sự 12 vụ với 19 đối tượng và thu giữ 3.600 kg động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, tình trạng buôn bán động vật hoang dã trên địa bàn Nghệ An đã có sự giảm xuống. Tuy nhiên, công tác đấu tranh loại tội phạm này cần được thực hiện thường xuyên nhằm tránh tình trạng "ném đá ao bèo" dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng các loại động vật quý hiếm.

Việt Nam hiện vẫn đang bị đánh giá là quốc gia nguồn cung cấp động vật hoang dã, đồng thời cũng là thị trường tiêu thụ động vật hoang dã lớn. Tình trạng ngang nhiên săn bắt, buôn bán công khai động vật hoang dã, thách thức pháp luật vẫn diễn ra tại nhiều địa phương.

Số liệu từ các cơ quan truy tố, xét xử cho thấy, trong giai đoạn năm 2019 đến hết năm 2022, các cơ quan này đã xét xử gần 500 vụ việc vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, với trên 600 bị cáo bị truy tố. Tuy nhiên, hoạt động của tội phạm buôn bán động vật hoang dã ở Việt Nam còn phức tạp, bất chấp quyết tâm của Chính phủ và nỗ lực của các tổ chức bảo tồn. Các vụ việc gần đây được cơ quan chức năng phát hiện cho thấy, tội phạm buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã và sản phẩm từ động vật hoang dã - hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) đã tiếp nhận thông tin 1.000 vụ vi phạm liên quan đến động vật hoang dã qua mạng. Con số này đã tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2015. Hình thức buôn bán này đang đem lại lợi nhuận rất cao và khó phát hiện. Vì vậy, ngoài việc bắt giữ và xử lý nghiêm, thì một trong những giải pháp đang được hướng tới... là giảm thiểu nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật, thông qua thay đổi hành vi của người tiêu dùng.

Trung bình mỗi ngày, ENV tiếp nhận khoảng 10 thông tin vi phạm từ cộng đồng qua đường dây nóng bảo vệ động vật hoang dã . Từ nguồn tin này, các cơ quan chức năng đã bắt giữ, và xử lý nhiều đối tượng vi phạm buôn bán động vật hoang dã. Tuy nhiên, do lợi nhuận cao, tính chất ẩn danh internet, nhiều đối tượng, hầu hết có hiểu biết về pháp luật vẫn lợi dụng thuận lợi của giao dịch online.. để vi phạm.

Các đối tượng buôn bán trên internet mang tính chất ẩn danh, việc truy tìm thực tế đối tượng không hề dễ dàng. Công tác đấu tranh của các cơ quan chức năng gặp khó khăn nhất định . Số lượng vụ bị phát hiện, bắt giữ còn ít hơn rất nhiều so với các vụ vi phạm thực tế

Trong một khảo sát mới đây của Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã(Traffic) , một nhóm người tiêu dùng vẫn có nhu cầu đối với các sản phẩm động vật hoang dã trái pháp luật bao gồm: tê giác, voi, tê tê, rùa cạn và rùa nước ngọt. Và thực tế các hoạt động mua bán này vẫn đang diễn ra tại các khu vực bán đồ lưu niệm cho khách du lịch.

Trong thời gian tới, cùng với việc triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã qua mạng, các Bộ, ngành chức năng sẽ thực hiện nhiều hoạt động truyền thông nhằm giảm cầu tiêu thụ động vật hoang dã trái phép, thay đổi hành vi của người tiêu dùng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Kiên quyết chống hàng giả, hàng kém chất lượng

VTV.vn- Thời điểm giáp Tết, tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt mà vẫn diễn biến phức tạp.