TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Đà Lạt: Rác thải, vật tư nông nghiệp tràn ngập các bể chứa chờ thu gom

Đài PT-TH Lâm ĐồngCập nhật 20:33 ngày 23/04/2018

Hầu hết các bể chứa tại Phường 12 (TP. Đà Lạt) đều tràn ngập rác với các bao bì chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật. Bể hết chỗ chứa, người dân đóng từng bao chất thành đống chờ các đơn vị đến thu gom

VTV.vn - Sau nhiều tháng triển khai dự án thu gom bao bì, thuốc BVTV, người dân Đà Lạt bất bình trước tình trạng các bể chứa rác đầy ứ nhưng không có đơn vị thu gom, gây ô nhiễm.

Làng hoa Thái Phiên (phường 12, TP Đà Lạt) là một trong những vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp tập trung của TP Đà Lạt, hoạt động nông nghiệp ở đây chủ yếu là sản xuất hoa màu với  lượng thuốc bảo vệ thực vật nhiều hơn và đặc biệt vùng canh tác nông nghiệp nằm ở thượng nguồn của các hồ lớn của Đà Lạt. 

Trước đây, người dân xử lý bằng cách tự đốt rác hoặc thải ra các suối nhỏ chảy về các hồ lớn của Đà Lạt gây ô nhiễm môi trường. Để hạn chế tình trạng trên, Dự án nâng cao nhận thức cộng đồng và xây dựng mô hình thí điểm gom bao bì, thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng do Hội nông dân TP. Đà Lạt chủ trì với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng, sau khi tiến hành thí điểm ở phường 12 sẽ được nhân rộng tại các phường sản xuất nông nghiệp của TP. Đà Lạt. Dự án được bắt đầu triển khai thí điểm từ cuối tháng 11/ 2017 với việc lắp đặt 100 thùng rác, phân bổ đều khắp ở các khu vực sản xuất…Tuy nhiên kể từ ngày đó đến nay, rác đã đầy ắp ở hầu hết các bể nhưng công việc thu gom chưa thực hiện khiến người dân lo lắng và bức xúc.

Theo kế hoạch của dự án, Công ty dịch vụ Đô thị Đà Lạt có trách nhiệm thu gom các loại rác thải này. Tuy nhiên không biết nguyên nhân vì sao mà đến nay công tác thu gom vẫn chưa được đơn vị trên thực hiện. Với ý nghĩa tốt đẹp của dự án hướng đến giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ hoạt động canh tác nông nghiệp, tuy nhiên với cách triển khai "đánh trống bỏ dùi" như hiện nay đang đi ngược lại với ý nghĩa của dự án, khiến người dân mất niềm tin và tiếp tục lúng túng trong việc xử lý nguồn rác thải độc hại  từ các loại bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật. Nếu không xử lý dứt điểm thực trạng trên thì tình trạng các hồ lớn của Đà Lạt ngập tràn rác thải lại tiếp tục tiếp diễn trong tương lai không xa.