Công tác xã hội là một nghề còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Họ là những người chuyên hỗ trợ, giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội, tạo ra sự bình đẳng và xóa bỏ những rào cản. Tại Đà Nẵng, những nhân viên công tác xã hội đã và đang nỗ lực tạo ra cuộc sống "độc lập" cho những em bé mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ, trong đó có Trung tâm nghiên cứu và phát triển Giáo dục hòa nhập Ước mơ xanh. Không chỉ dừng lại ở việc chăm sóc, truyền dạy những kỹ năng sống cơ bản, các nhân viên công tác xã hội tại cơ sở "Ước mơ xanh" còn nghiên cứu, tìm tòi những phương pháp mới trong việc giáo dục trẻ tự kỉ để thúc đẩy quá trình hòa nhập của các em hiệu quả hơn, như buổi vận động ngoài trời vô cùng hữu ích cho kích thích não bộ hay mô hình "nông trại giáo dục" cho các em tham gia vào quá trình chăm sóc và thu hoạch rau củ... là những bài học trực quan nhất để trẻ tự cảm thụ về thế giới xung quanh.
Không chỉ có cơ sở "Ước mơ xanh", đều đặn mỗi tuần, nhiều em nhỏ lại đến với CLB "Sống độc lập" của Trung tâm cung cấp dịch vụ xã hội TP Đà Nẵng để được các nhân viên công tác xã hội tư vấn, hướng dẫn và trợ giúp về những kỹ năng sống. Một phụ huynh chia sẻ: "Nhìn từ phía phụ huynh, mình thấy sự tận tụy trong công việc của các cô giáo, thầy giáo ở đây. Có những cái ở nhà mình nói không được, mình bày vẽ không được, mình không có sư phạm để truyền đạt cho cháu, thì thời gian cháu sinh hoạt và học ở đây có trưởng thành hơn, tiến bộ hơn và ngoan hơn. Khi mình quan sát thì mình thấy các cô giáo, thầy giáo ở đây hòa mình với các cháu, coi nhau như bạn, nói chung là rất có tâm và những người làm công tác xã hội có được cái tâm như vậy rất tốt"
Khó có thể đong đếm được những vất vả của người làm nghề công tác xã hội. Đối với trẻ tự kỷ, do liên quan đến sự phát triển bất thường của não bộ nên việc dạy các em cần sự kiên trì và nhẫn nại, tấm lòng thương yêu bao la. Khó khăn là thế nhưng họ luôn tự hào về nghề của mình; cống hiến hết mình bằng cả cái tâm bởi công tác xã hội là nghề của sự dấn thân, của lòng nhân ái.