Trong những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, các tỉnh Bắc Trung Bộ đã có mưa to đến rất to, mực nước sống dâng cao gây chia cắt nhiều khu vực
Tối 11/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có công điện khẩn số 78/CĐ-TW gửi tới Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, các Bộ: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công an. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng.
Công điện nêu rõ: Trong những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, các tỉnh Bắc Trung Bộ đã có mưa to đến rất to, trong đó Thanh Hóa từ 400-500mm gây lũ lớn trên các hệ thống sông Mã, sông Chu, sông Bưởi. Mực nước lúc 16h ngày 11/10 trên sông Bưởi tại Kim Tân là 12,23m (trên BĐ3: 0,23m); sông Mã tại Cẩm Thủy là 21.05m (trên BĐ3: 0,85m); tại Giàng là 6,38 m (trên BĐ3: 0,12m); sông Chu tại Bái Thượng là 20,59m (trên BĐ3 2,59m); tại Xuân Khánh là 11,53m (dưới BĐ3: 0,47m).
Hồ Cửa Đạt và một số hồ nhỏ đang xả tràn; trên 20 hồ chứa xung yếu. Một số đoạn đê Tả Chu, tả sông Yên và đê bao bị sạt trượt. Dự báo mưa lũ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, lũ các sông Mã, Chu tiếp tục lên nhanh, đặc biệt sông Mã tại Giàng có khả năng lên mức 7,5m (trên BĐ3: 1m), tương đương lũ lịch sử năm 1980, 2007, nguy cơ gây ngập lụt nghiêm trọng ở các vùng thấp trũng, lũ quét sạt lở đất ở các huyện miền núi.
Nhằm chủ động ứng phó với mưa lũ, đảm bảo an toàn công trình hồ chứa, hệ thống đê điều, hạn chế tối đa thiệt hại về người, cơ sở hạ tầng, sản xuất, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa: Theo dõi chặt chẽ diến biến mưa lũ, bằng mọi biện pháp thông báo kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh. Kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời dân tại các khu vực thấp trũng, bị ngập lũ, khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực hạ du các hồ chứa. Tổ chức tuần tra, canh gác phát hiện kịp thời các sự cố về đê điều, hồ đập và các công trình phòng chống thiên tai khác, đặc biệt là tại các trọng điểm xung yếu, tích cực triển khai các phương án ứng phó, hộ đê để đảm bảo an toàn công trình, nhất là khi xuất hiện lũ vượt mức thiết kế.
Tổ chức cập nhật theo giờ mực nước lũ tại các trạm thủy văn trên sông Mã, sông Chu để kịp thời triển khai việc điều chỉnh vận hành hồ chứa Cửa Đạt giảm lũ cho hạ du. Báo cáo kịp thời về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương theo phòng chống thiên tai theo số máy 0243. 7335694; 0243.7335697.
Bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn người qua lại các ngầm, tràn, các đoạn đường thường xuyên bị ngập nước; để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, nhất là tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để kịp thời triển khai phương án đảm bảo giao thông nhanh nhất.
Chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông tăng thời lượng và tần suất đưa tin trên các phương tiện, nhất là hệ thống phát thanh tại các phường, xã về việc xả lũ các hồ chứa, mưa lũ lớn, đặc biệt khả năng xuất hiện lũ lịch sử trên sông Mã (tại trạm Giàng); phối hợp với các cơ quan chuyên môn, lực lượng dân quân tự vệ hướng dẫn kỹ năng phòng tránh lũ và hỗ trợ người dân, các cơ quan, tổ chức liên quan để triển khai ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị liên quan, tổ chức các đoàn công tác phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát các phương án phòng chống lũ, nhất là tại các trọng điểm xung yếu về đê điều, hồ chứa, trong đó đặc biệt là các vị trí đã xảy ra các sự cố do ảnh hưởng của bão số 10, các hồ chứa nhỏ có nguy cơ mất an toàn, hồ chứa đã tích đầy nước; sẵn sàng triển khai việc tiêu thoát nước, chống ngập úng.
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao tăng cường lực lượng, phương tiện thường trực, phối hợp với các địa phương sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với mưa lũ lớn, sự cố về hồ chứa, đê điều, các khu vực bị lũ chia cắt theo quy định; sẵn sàng hỗ trợ địa phương sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin về xả lũ đột xuất của hồ Hòa Bình, tình hình mưa lũ lớn tại các tỉnh Bắc Trung Bộ để các cấp chính quyền địa phương và người dân chủ động phòng tránh.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, kịp thời báo cáo về Ban Chỉ đạo về phòng chống thiên tai và Ủy ban Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.