Hơn 2 năm qua, vào tối thứ bảy hàng tuần, TP Pleiku lại rộn ràng tiếng cồng chiêng khi Quảng Trường Đại Đoàn Kết trở thành không gian diễn tấu nghệ thuật cồng chiêng Tây Nguyên - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tuy diễn ra đều đặn, nhưng cồng chiêng cuối tuần vẫn thu hút được một lượng khách đông đảo bởi sự đa dạng, phong phú của mình.
Trên bãi cỏ xanh giữa phố, không gian của những ngôi làng người Bahnar, Jrai làng thu nhỏ được tái hiện. Ở đó, các nghệ nhân dân gian được trình tấu cồng chiêng và cả những điệu xoang truyền thống; trình diễn nhạc cụ làm từ tre nứa hay phục dựng trích đoạn các nghi lễ truyền thống trong không gian nghệ thuật cồng chiêng. Đây là nơi du khách và đồng bào các dân tộc cùng nhau trải nghiệm những giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng.
Đến với Cồng chiêng cuối tuần, hầu hết nhạc cụ, trang phục, đạo cụ được các nghệ nhân sử dụng ở dạng nguyên bản, đúng với truyền thống, thể hiện nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Cồng chiêng cuối tuần đã bước đầu gặt hái những thành công trong nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, kết hợp với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Bảo tồn văn hoá truyền thống và thu hút khách du lịch bằng chính các hoạt động này là mục tiêu của tỉnh Gia Lai trong việc thực hiện chương trình cồng chiêng cuối tuần. Không phải ngẫu nhiên mà đây trở thành một điểm đến được mong đợi hàng tuần của người dân và du khách mỗi khi đến với Gia Lai những năm gần đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!