Với diện tích hơn 630 ngàn héc ta, cà phê là cây trồng chủ lực của nông dân Tây Nguyên. Với diện tích trên, Việt Nam là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, cà phê Việt Nam thường xuất khẩu dạng thô, giá trị kinh tế thấp, chưa mạnh về thương hiệu. Liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu chính ngạch được xem là yếu tố then chốt để nâng cao giá trị thương hiệu cà phê Tây Nguyên.
Gia Lai hiện có gần 100 ngàn héc ta trồng cà phê. Tuy nhiên, phần lớn diện tích đã già cỗi, hơn 20 năm. Thời gian qua, nông dân một số địa phương, trong đó có huyện Chư Prông đã hoàn thành tái canh diện tích cà phê lâu năm, năng suất thấp. Tái canh cà phê để cải thiện năng suất đang được các địa phương trong tỉnh này đồng loạt triển khai. Thời gian qua, huyện Chư Prông đã cấp hơn 1,7 triệu cây giống, tái canh được hơn 2000 héc ta. Sản lượng thu hoạch trung bình tăng hơn 30% so với trước tái canh.
Hiện nay, tại huyện Chư Prông đã hình thành nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phát triển cà phê, hồ tiêu và bơ. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả kinh tế cần có sự liên kết giữa nhà nông và nhà máy. Nhờ chính sách khuyến nông đi đôi với khuyến công, tại huyện biên giới Chư Prông, hàng loạt nhà máy do con em địa phương làm chủ đã được xây dựng. Đưa nhà máy về vùng nguyên liệu được xem là hướng đi đúng nhằm giảm chi phí trung gian, giá thu mua nông sản cao hơn. Quan trọng nữa là xây dựng thương hiệu nông sản gắn với chỉ dẫn địa lý, vùng trồng. Hiện có hàng loạt dự án ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tại huyện Chư Prông đã phát huy hiệu quả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!