Cá nóc tăng nhiều hơn bình thường có hai lý do. Thứ nhất, khoảng thời gian này là mùa sinh trưởng của cá nóc với số lượng lớn tập trung ở vùng biển miền Trung. Thứ hai, môi trường đáy biển Bắc Trung Bộ đang phục hồi tốt, tạo điều kiện cho nhiều loài thủy sản phát triển, trong đó có cá nóc. Điều này đã ảnh hưởng đến sản lượng đánh bắt của ngư dân khi cá nóc cắn phá ngư lưới cụ và làm giảm sản lượng khai thác của các thuyền đánh bắt trên biển.
Một vấn đề đặt ra là lượng cá nóc lớn được bóc tách từ các tàu thuyền vào bờ sẽ tiếp tục được xử lý như thế nào? Ban quản lý cảng cá Thuận An cho biết, số cá nóc sau khi bị bỏ ra trên bờ cảng sẽ được bộ phận vệ sinh thu dọn rồi đem đi tiêu hủy. Còn tại nhiều vùng biển khác ở huyện Phú Vang như Phú Diên, Vinh Thanh, cá nóc sau khi vào bờ vẫn được bán lén lút tại một số chợ với giá 10.000 đồng/kg.
Thực tế từ các vụ ngộ độc cá nóc cho thấy, ăn cá nóc, tươi cũng như khô, hoặc bất kỳ một hình thức chế biến nào khác đều tiềm ẩn quá nhiều rủi ro về tính mạng. Nguyên nhân là có nhiều độc tố tập trung ở cơ quan nội tạng, trên mắt, da và trong máu cá. Thịt cá thì không có độc tố tuy nhiên trong quá trình đánh bắt, sơ chế, độc tố rất dễ nhiễm vào thịt, có thể gây tử vong cho người ăn. Ở nước ta, từ năm 2003, Bộ Thương Mại đã ra quyết định nghiêm cấm các hành vi lưu thông, chế biến, kinh doanh cá nóc và các sản phẩm của loại cá này dưới mọi hình thức. Tổ chức, cá nhân nào vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Công tác tuyên truyền về ngộ độc cá nóc cũng đã được các ngành chức năng triển khai, tuyên truyền mạnh mẽ trong nhân dân.