TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Cần thay đổi chính sách đãi ngộ trong công tác bảo vệ rừng

Tấn Hiền, Đình ĐạiCập nhật 20:47 ngày 23/05/2024

VTV.vn - Cần thay đổi chính sách đãi ngộ trong công tác bảo vệ rừng bởi với chính sách như hiện nay khó có thể thu hút được lực lượng chuyên môn làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng.

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, tại tỉnh Kon Tum đã có hàng trăm cán bộ, nhân viên ngành lâm nghiệp xin nghỉ việc. Áp lực công việc, mức lương thấp, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng, chủ yếu làm việc tại các chốt, trạm vùng sâu, vùng xa, đường xá đi lại rất khó khăn nhưng nguồn thu nhập lại không đảm bảo cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Tình trạng này đã ảnh hưởng lớn tới công tác quản lý bảo vệ rừng tại địa phương.

Vườn quốc gia Chư Mom Ray có tổng số 96 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được giao quản lý hơn 56 nghìn héc ta rừng. Đa số lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị chủ yếu sống và làm việc tại rừng cách xa khu dân cư, giao thông đi lại khó khăn. Áp lực công việc gắn với trách nhiệm nặng nề, trong khi lương bình quân chỉ từ 3,5 triệu đồng đến 5 triệu đồng/tháng. Từ năm 2018 đến nay, tại đây đã có 33 cán bộ viên chức xin chuyển việc và nghỉ việc. Đây cũng là thực trạng chung của ngành lâm nghiệp những năm gần đây. Theo thống kê, từ năm 2018 đến nay, đã có 403 công chức, viên chức và người lao động thuộc các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng tại tỉnh Kon Tum xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác khác. Điều này đã khiến nhân lực phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng thiếu hụt nghiêm trọng, gây áp lực rất lớn đến diện tích rừng.

Tỉnh Kon Tum đã có chỉ đạo các đơn vị chủ rừng lập phương án khoán rừng và đất lâm nghiệp, vườn cây và diện tích mặt nước để cán bộ công nhân viên nhận khoán phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập, gắn bó với rừng. Tuy nhiên về lâu dài, cần có chế độ đãi ngộ hợp lý cho những đối tượng này để họ yên tâm bám rừng trước sự tác động ngày càng lớn vào diện tích rừng trong giai đoạn gần đây.

Mới đây, trong chuyến công tác tại Kon Tum, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng đoàn công tác các bộ, ngành đã đến làm việc với một số đơn vị chủ rừng. Ngoài việc thăm hỏi, động viên những cán bộ, nhân viên đang trực tiếp làm công tác quản lý, bảo vệ rừng, Phó Thủ tướng còn tìm hiểu tâm tư cũng như những vướng mắc cần tháo gỡ. Theo Phó Thủ tướng, mức độ trách nhiệm của mỗi công việc đều cần được quy ra tiền và được trả lương theo vị trí việc làm. Bảo vệ rừng là một nghề đặc thù, cho nên định lượng được sự đặc thù đó trong Đề án vị trị việc làm thì những người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng sẽ có thêm thu nhập.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!