Theo ghi nhận, tỉnh Bình Định hiện có 2 tuyến đường sắt đi qua địa bàn, với tổng chiều dài hơn 146 km. Riêng đoạn thuộc quản lý của Công ty cổ phần đường sắt Nghĩa Bình dài hơn 108km. Trên tuyến đường sắt này có 51 đường ngang hợp pháp giao cắt giữa đường bộ và đường sắt được bố trí người trực gác 24/24 giờ, hoặc gắn hệ thống còi, đèn, thanh chắn cảnh báo tự động, biển báo.
Để xóa bỏ các tuyến đường ngang dân sinh tự mở theo Đề án của Chính phủ, phương án khả thi nhất là phải thi công các tuyến đường gom, hầm chui, hàng rào bảo vệ hành lang an toàn đường sắt. Thời gian qua, việc triển khai thực hiện tại Bình Định còn gặp nhiều khó khăn, chưa đảm bảo yêu cầu đề ra do nhiều địa phương còn thiếu kinh phí thực hiện.
Mới đây, Bộ GTVT cũng đề xuất cho phép sử dụng hành lang an toàn giao thông đường sắt quốc gia để xây dựng đường gom, với mục đích xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt. Khi xây dựng đường gom trong hành lang an toàn giao thông đường sắt phải xây dựng hàng rào ngăn cách giữa đường sắt với đường gom để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, đường bộ. Đây được xem là giải pháp hiệu quả để từng bước thực hiện việc xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!